Băn khoăn sách gắn mác 18+

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
24/05/2024 07:28 GMT+7

Sau sự việc gây xôn xao dư luận, tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của tác giả người Mỹ gốc Việt Ocean Vuong chuẩn bị được tái bản với "giải pháp" bìa dán nhãn 18+. Việc dán mác 18+ cho thể loại sách văn học có mô tả tính dục khiến nhiều người băn khoăn, nhất là với các độc giả tuổi mới lớn.

THẾ GIỚI CŨNG RẤT… ĐAU ĐẦU

Ghi nhận việc dán mác 18+ cho những cuốn sách văn học "nặng đô" như thế này là điều cần thiết, TS ngữ văn Hà Thanh Vân chia sẻ: "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không phải là một tác phẩm dễ đọc, kể cả tập trung vào chủ đề gia đình và tâm lý tuổi mới lớn, nếu không có sự hướng dẫn cách đọc rất cụ thể và thận trọng từ phía giáo viên hay phụ huynh. Chủ đề của Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không phải là khiêu dâm. Tuy nhiên, có một số đoạn nhạy cảm và không phù hợp với văn hóa VN, nhất là trong môi trường học đường thì đối với những loại sách dạng này, cần dán nhãn 18+ như trong phim ảnh là phù hợp".

18b.jpg

Việc dán nhãn phân loại trên sách có thể giúp phụ huynh và học sinh tìm được những cuốn sách phù hợp với từng lứa tuổi

QUỲNH TRÂN

TS Đào Lê Na, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng nhiều tác phẩm kinh điển như Nghìn lẻ một đêm hay các sáng tác của nhà văn Nhật Haruki Murakami cũng có các yếu tố miêu tả tính dục, tình dục rất chi tiết nhưng vẫn được độc giả đón nhận. Nhiều khi mô tả như vậy nhưng lại muốn đưa ra ẩn ý khác, phụ huynh và thầy cô có cách tìm hiểu sâu, tùy vào từng hoàn cảnh để hướng dẫn các em tốt hơn.

Hiện nay, tại Mỹ vẫn chưa có cơ quan chính thức nào làm việc phân loại sách như phim hay game. Mỗi nhà xuất bản tự đề xuất, khuyến cáo chung cho độc giả. Cũng có những trang mạng đưa ra những đánh giá, khuyến cáo để phụ huynh và thầy cô giáo tham khảo. Ví dụ như trang Common Sense Media xếp cuốn Harry Potter và Bảo bối tử thần - tập 7 vào sách cho độc giả trên 12 tuổi, giá trị giáo dục là 3/5 điểm, mức độ bạo lực là 4/5. Ở Nhật Bản thì sách báo có nội dung khiêu dâm và miêu tả tình dục đều được dán nhãn 18+. Tại Pháp từ năm 1949, luật Xuất bản được thực thi thông qua Ủy ban Giám sát và kiểm soát xuất bản dành cho trẻ em và thiếu niên. Theo đó, các NXB phải đề rõ độ tuổi khuyến cáo trên bìa sách.

Quan trọng nhất không phải là dán nhãn sách, mà là sự dẫn dắt, giải thích của người lớn góp phần ổn định tâm trí các bạn nhỏ, tránh đi những lệch lạc tâm lý về sau.


TS Hà Thanh Vân

Không chỉ thế giới "đau đầu" với thực tế này mà tại VN cũng đã từng có một số sách của NXB Kim Đồng và NXB Trẻ gắn nhãn "dành cho tuổi trưởng thành". Tuy nhiên, đây hoàn toàn là việc làm tự phát vì nước ta chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này. Chẳng hạn cuốn Trường ca Achilles của Madeline Miller được dán nhãn dành cho tuổi trưởng thành (trên 18 tuổi) và ghi rõ khuyến cáo này trên website bán sách của NXB Kim Đồng là dành cho đối tượng độc giả tuổi trưởng thành (trên 18 tuổi).

CÓ "VẼ ĐƯỜNG CHO HƯƠU CHẠY" ?

Việc dán nhãn 18+ cũng có hai mặt, điều lo ngại không tránh khỏi là chuyện "vẽ đường cho hươu chạy". Nhất là khi sách không phải sản phẩm như phim ảnh, để khi mua vé thì có kiểm tra căn cước công dân hay thẻ học sinh. Ở các nhà sách có thể kiểm tra độ tuổi người mua sách, còn khi mua sách online thì rõ ràng điều này là bất khả thi.

Tuy nhiên, đại diện một nhà xuất bản lớn tại TP.HCM, nơi có dán nhãn sách phân loại chia theo từng cấp độ lứa tuổi: 3+, 6+, 12+, 18+, khẳng định đây là cách làm hay, chỉ không nên "cào bằng". "Tùy quan niệm của từng đơn vị xuất bản, căn cứ vào liều lượng trong sách, thể loại đề tài mà có quy định riêng để các bạn nhỏ lựa chọn cho phù hợp theo độ tuổi, chứ không phải cuốn nào có miêu tả tính dục là gắn hết 18+. Phụ huynh cũng căn cứ vào nhãn cảnh báo để dễ dàng mua sách cho con em mình", vị này nói.

Đồng tình với quan điểm này, TS Đào Lê Na đề xuất: "Chúng ta không nên dán nhãn 18+ ấn định cho toàn bộ tác phẩm mà chỉ cảnh báo giới hạn độ tuổi nào thì được xem. Nếu dán nhãn 18+ ở trước đầu sách lại càng dễ gây tò mò cho các em, rằng toàn bộ nội dung cuốn sách ấy "nặng đô". Chỉ nên chăng, đối với những cuốn sách có một vài trang mô tả nhạy cảm thì có cảnh báo, chú thích ở những trang đầu của cuốn sách".

18c.png

Có thông tin tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vuong khi tái bản sẽ gắn nhãn 18+

QUỲNH TRÂN

Việc dán nhãn, phân loại xuất bản phẩm được quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin - Truyền thông. Tuy nhiên, thông tư này chỉ đề cập về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Theo đó, tại khoản 1, điều 12 quy định các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4 và trang tên sách theo các lứa tuổi: trẻ dưới 6 tuổi, trẻ từ 6 - 10 tuổi, trẻ từ 11 đến dưới 16 tuổi.

"Thông tư chưa đề cập đến khoảng tuổi từ 16 - 18 và trên 18 tuổi. Do vậy, việc điều chỉnh, bổ sung cho văn bản này là cần thiết. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về sách phải là công việc chung tay của toàn xã hội dành cho thế hệ trẻ và phải là một việc làm mang tính lâu dài, chứ không chỉ là vì một hiện tượng, ầm ĩ lên rồi sau đó "chìm xuồng" mà không có giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, theo tôi, việc dán nhãn 18+ không ít thì nhiều cũng góp phần hạn chế được tình trạng đọc sách không đúng độ tuổi, đặc biệt là với sự đồng hành của phụ huynh hay nhà trường. Quan trọng nhất không phải là dán nhãn sách, mà là sự dẫn dắt, giải thích của người lớn góp phần ổn định tâm trí các bạn nhỏ, tránh đi những lệch lạc tâm lý về sau", TS Hà Thanh Vân kiến nghị.

"Khác với nghệ thuật thứ bảy, hình ảnh âm thanh tác động mạnh, trực tiếp đến tâm lý người xem, còn đối với sách việc dán nhãn 18+ lâu nay chưa từng có tiền lệ nên cũng nên thận trọng, để tránh những hệ lụy không đáng có cho các độc giả tuổi mới lớn", TS Đào Lê Na đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.