Băn khoăn tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ lên 50%

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
29/08/2024 05:44 GMT+7

Dư luận bày tỏ băn khoăn, khó hiểu về dự kiến xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập lên 50%, vốn đưa ra trong bối cảnh xã hội lo ngại bệnh thành tích và tiêu cực trong 'làm đẹp' học bạ.

TĂNG TỶ LỆ XÉT TỐT NGHIỆP HỌC BẠ DO ĐỀ THI SẼ KHÓ HƠN?

Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GD-ĐT mới công bố về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đó là dự kiến xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng: "Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố".

Băn khoăn tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ lên 50%- Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 năm nay tựu trường. Đây là lứa học sinh đầu tiên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng đổi mới từ năm 2025

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Điều này lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều bởi lâu nay việc đánh giá, xét tuyển, xét tốt nghiệp bằng học bạ là nỗi bức xúc của xã hội khi làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong đánh giá học sinh (HS). Nhiều lần Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhận được phản ánh,

kiến nghị của cử tri về việc nên bỏ xét học bạ bởi hiện nay đang nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ và "chạy điểm" ở các nhà trường. Với việc xét tốt nghiệp, có ý kiến cho rằng hiện tại điểm học bạ chiếm 30% HS đã chủ quan rồi, tăng lên 50% thì sao Bộ không xét tốt nghiệp luôn, không cần thi?

Trong khi đó, ông Vũ Khắc Ngọc, một giáo viên luyện thi ở Hà Nội, nhận định việc tăng tỷ lệ học bạ trong xét tốt nghiệp "có thể nhằm để duy trì tỷ lệ tốt nghiệp ở mức cao, trong lúc đó có thể tăng độ khó của bài thi tốt nghiệp lên.

Trong trường hợp này, các trường ĐH nếu thực sự chú trọng chất lượng đầu vào thì nên giảm hẳn tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ xuống, ưu tiên xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... Việc tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ góp phần hạn chế bất bình đẳng, thiếu công bằng giữa các phương thức xét tuyển như hiện nay".

Trước đó, trả lời PV Thanh Niên, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cũng từng nhấn mạnh: "Một trong 3 mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là các cơ sở giáo dục ĐH có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, chúng tôi cũng đã nghiên cứu tập trung sao cho chất lượng đề thi có tính phân hóa cao hơn nữa, nhưng cũng cần nhấn mạnh là phân hóa hơn không có nghĩa là đề thi sẽ tăng độ khó hơn. Trước hết, đây là kỳ thi phục vụ mục đích xét tốt nghiệp THPT, nếu tăng độ khó thì tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm xuống".

Theo ông Hà, dự kiến sẽ tăng độ phân hóa thuộc phân khúc điểm trên 5 để đánh giá được đúng những em nào là xuất sắc, giỏi mới có thể đạt 9, 10 điểm; HS khá có thể tiếp cận mức điểm 7, 8…

Sẽ sớm công bố đề minh họa

Theo ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục rà soát và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương chủ động triển khai. Trong đó, sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và HS chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi.

MIỄN THI NGOẠI NGỮ NHƯNG KHÔNG QUY THÀNH ĐIỂM 10

Một thay đổi khác Bộ GD-ĐT dự kiến áp dụng cho kỳ thi năm 2025 là: "Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay".

Theo quy định hiện nay, ví dụ HS có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 4.0 là được miễn thi ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT và quy đổi ra điểm 10. Điều này đã gây nhiều ý kiến trái chiều vì cho rằng việc quy đổi này là dễ dãi và không phù hợp thực tế. Những năm qua, số thí sinh (TS) miễn thi ngoại ngữ vì có chứng chỉ quốc tế tăng mạnh theo từng năm. Năm 2024, tổng số TS đăng ký miễn thi ngoại ngữ (do có các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT) là 66.927 em. Trong đó, Hà Nội có số lượng lớn nhất với 21.554 TS; tiếp đến là TP.HCM có 13.076 TS.

Không ít ý kiến cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hiện đã không còn "quý hiếm" như thời điểm năm 2015, khi Bộ GD-ĐT bắt đầu cho phép sử dụng để miễn thi ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT. Do vậy, dù chỉ sử dụng để miễn thi với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT thì việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh quy định trên là phù hợp hơn.

Việc quy đổi đồng loạt theo kiểu IELTS 4.0 hoặc tương đương là đạt điểm 10 là dễ dãi và không công bằng với chính TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Bà An Thùy Linh, giáo viên dạy tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), nêu thực tế dù HS điểm IELTS cao đến 7.5 nhưng không có nghĩa đi thi sẽ đạt điểm 10 chứ chưa nói điểm IELTS 4.0. Phần lớn mức 4.0 IELTS quy ra điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc ngay trong đánh giá định kỳ tại trường thì chỉ khoảng 6 - 7 điểm.

Băn khoăn tăng tỷ lệ xét tốt nghiệp THPT bằng học bạ lên 50%- Ảnh 2.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP.HCM. Dự kiến có 6 điểm thay đổi quan trọng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

NHẬT THỊNH


ĐỀ THI BỔ SUNG DẠNG THỨC CÂU HỎI THI MỚI

Trong thông báo, Bộ GD-ĐT tái khẳng định đề thi sẽ có những thay đổi đáng chú ý như bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm); tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi như đã công bố trong phương án thi.

Liên quan đến nội dung này, trước đó Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nguyễn Ngọc Hà nêu hình dung: Với định dạng đề thi mới, các câu hỏi môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần, trong đó phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, cho 4 phương án chọn 1 đáp án đúng, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

Phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm đúng/sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý TS lựa chọn đúng hoặc sai. TS lựa chọn đúng 1 ý trong 1 câu hỏi sẽ được 0,1 điểm; đúng 2 ý trong một câu hỏi được 0,25 điểm; đúng 3 ý trong 1 câu hỏi được 0,5 điểm; đúng cả 4 ý trong 1 câu hỏi được 1 điểm.

Phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn. TS tô vào các ô tương ứng đáp án của mình. Đối với môn toán, ở phần 3, mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm. Các môn khác, ở phần này, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm.

"Với cấu trúc định dạng đề thi mới, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm với môn toán, và còn 2,35 điểm với các môn thi trắc nghiệm còn lại", ông Hà cho biết.

Dự kiến 6 điểm mới

- Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ rút từ 4 buổi thi hiện nay xuống còn 3 buổi.

- Thêm môn tin học, công nghệ. Đề thi sẽ bổ sung một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có 1 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm); tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi.

- Sắp xếp điểm thi, phòng thi theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho TS không phải di chuyển phòng thi, cho phép trộn HS ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho TS. TS chỉ dự thi tại 1 phòng thi trong suốt kỳ thi. Ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.

- Xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng: "Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50%. TS có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp như quy định hiện nay.

- Bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.