Bán lá cây cần sa nhưng rao lá cây đu đủ

25/08/2019 08:38 GMT+7

Nếu không quản lý tốt, các hoạt động này sẽ phá hoại thị trường.

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài “Hàng cấm, hàng nhái, hàng dỏm ngập chợ điện tử” vào sáng 23.8,, ngay chiều 23.8 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với các đơn vị về công tác chống gian lận thương mại trong thương mại điện tử (TMĐT) tại Hà Nội.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết từ năm 2018 đến nay, cơ quan này đã thanh tra tại 3 đơn vị và kiểm tra 11 đơn vị. Tổng mức xử phạt là 500 triệu đồng. Đối với các sàn giao dịch TMĐT, tính đến hết năm 2018, đã gỡ bỏ 35.943 sản phẩm vi phạm và hơn 300 tài khoản bán hàng đã bị khóa. Tuy nhiên thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi. Ví dụ nhiều đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm như N.I.K.E thay vì NIKE hay có đối tượng bán lá cây cần sa nhưng rao bán lá cây đu đủ... để lách qua các bộ lọc kỹ thuật. Bên cạnh đó, thông tin đưa lên bán là hình ảnh và thông tin sản phẩm thật nhưng khách hàng nhận mới biết là hàng giả, hàng nhái...
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết hiện có 3 loại hình TMĐT cần quan tâm là sàn giao dịch TMĐT, bán hàng trên mạng xã hội, bán hàng trên website TMĐT. “Nếu không có kiểm soát chắc thì đây sẽ là mối nguy đối với tình hình gian lận thương mại tại Việt Nam”, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Trước báo cáo của Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, có những hành vi gian lận thương mại công khai vẫn qua mặt được cơ quan chức năng. “Đâu phải tất cả hành vi nào cũng tinh vi. Nhiều hành vi gian lận một cách rất manh động. Vấn đề nhiều khi là do chúng ta làm chưa hết, chưa đảm bảo”, Bộ trưởng nhận xét.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, TMĐT đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên nếu quản lý không tốt, nó sẽ trở thành một mảnh đất dung dưỡng cho lừa đảo, trục lợi người tiêu dùng, phá hoại sản xuất, phá hoại thị trường. Do đó, Bộ trưởng kết luận các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện, phối hợp có hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.
Bộ trưởng giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động phối hợp Vụ Pháp chế rà soát lại hoạt động TMĐT theo các luật có liên quan để có báo cáo đề xuất, điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp. Đặc biệt lưu ý đưa các cơ chế mới vào kiểm soát, truy xuất các hoạt động TMĐT, gắn trách nhiệm của chủ sàn TMĐT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.