Theo Báo cáo thị trường mua sắm trực tuyến năm 2018 do Công ty Q&Me thực hiện, chợ điện tử Shopee đã vươn lên chiếm thị phần 35%, soán ngôi đầu thị trường của Lazada trong năm 2017. Điều này khiến thị phần của Lazada cũng từ mức trên 30% trước đó xuống còn 20% và tiếp theo là Tiki chiếm 17%.
Báo cáo này cũng cho thấy việc mua sắm online của người tiêu dùng Việt trong năm qua tăng mạnh lên 47%. Những người tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng khi mua hàng qua mạng với những đặc điểm là sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, khách hàng cũng không hài lòng về chất lượng hàng hóa, chi phí vận chuyển và việc chăm sóc khách hàng chưa tốt. Kết quả khảo sát cũng cho thấy có 25% người đã từng tham gia bán hàng qua mạng và Facebook là trang bán hàng trực tuyến phổ biến nhất tại Việt Nam với tỷ lệ bình chọn là 66%.
Còn theo Báo cáo tổng kết thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 do iPrice Group công bố, trong xếp hạng 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á năm 2018, kết quả có đến 5 trong số đó là các công ty đang có mặt tại Việt Nam, lần lượt là Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.
Cụ thể, ba sàn thương mại điện tử dẫn đầu dù chỉ hoạt động trong phạm vi thị trường Việt Nam nhưng vẫn đủ sức để nằm trong top 10 khu vực, thậm chí còn vượt trên cả tập đoàn JD của Trung Quốc hiện có mặt ở Indonesia và Thái Lan.
|
Bước tiến đáng nể nhất năm 2018 là thuộc về Shopee Việt Nam. Sàn thương mại điện tử này bắt đầu năm 2018 ở vị trí thứ 3 về lượng truy cập website nhưng chỉ trong vòng 7 tháng, Shopee đã lên vị trí dẫn đầu. Theo iPrice Group, đây là lần đầu tiên kể từ quý 2/2017 vị trí số 1 của bảng xếp hạng này không thuộc về Lazada.
Theo nhận định của Google và quỹ đầu tư Temasek trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 11.2018, quy mô ngành thương mại điện tử Việt Nam hiện đạt 2,8 tỉ USD. Còn từ nay đến 2025 sẽ đạt 15 tỉ USD, với mức tăng trưởng 43% mỗi năm, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Bình luận (0)