Ông bà ta thường nói: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần”. Thế nhưng có không ít người chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống đã ngoảnh mặt, quyết “sống mái’’ với láng giềng gần.
Bà N.T.T lật đật tìm bộ hồ sơ bệnh án khi được HĐXX mời đứng lên thẩm vấn nhưng bà không có nhiều cơ hội “tố khổ” việc bị hàng xóm đánh sưng mặt. Bà chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ án ngày hôm nay, không phải là người bị hại trong vụ án.
Từ chuyện hiểu lầm...
Bà T.M.L (quận 11 - TPHCM) mở quán bán bánh ướt đã nhiều năm. Bỗng dưng chiều 7.5.2010, quán bà L. bị đoàn kiểm tra vệ sinh thực phẩm của phường xuống nhắc nhở. Nghi ngờ bà N.T.T - vừa là hàng xóm vừa là tổ trưởng - “chỉ điểm’’, bà L. đứng trước cửa chửi vọng qua. Bực mình vì bị mắng oan, bà T. bước ra nói lại.
Như chỉ chờ có thế, bà L. bước qua tát bà T. một cái nhưng được nhiều người can ngăn. Sự việc sau đó lên đến cao trào khi em gái bà T. về và qua nhà bà L. gây sự đánh nhau, công an phường phải xuống can thiệp và yêu cầu hai bên cam kết không tái phạm.
|
Nhưng rồi nỗi ấm ức trong lòng vẫn chưa nguôi, sáng hôm sau, bà L. và em bà T. lại tiếp tục cãi nhau. Lần này, con gái bà L. không nhịn được đã kể cho chồng nghe, để rồi bênh mẹ vợ, N.H.T.N rủ thêm người đem mã tấu đi đánh trả. Em gái bà T. bị chém nhiều nhát, tỉ lệ thương tật là 34%.
Tại phiên tòa, em gái bà T. cho biết do thấy chị bị bà L. đánh túi bụi, sưng mặt mày, nhức đầu nên mới qua nhà bà L. để “xin đánh lại một cái coi thử có đau không?’’. Nếu bà L. không nghi ngờ này nọ, kiếm cớ gây chuyện đánh người đã không xảy ra chuyện gì. Còn theo lời khai của bà L. thì “ngày hôm sau, tôi thấy một số người lạ mặt đi qua đi lại trước nhà. Lo sợ, tôi nói chồng qua xin lỗi, không ngờ đến chiều em của chị T. qua tìm và đánh tôi. Vì vậy, các con tôi mới nóng ruột…’’.
Dường như cho đến hôm nay, họ vẫn quyết hơn thua dù trong cuộc chiến này, cả hai đều sứt đầu mẻ trán và thiệt hại nặng nề khi một bên có em gái bị thương tật vĩnh viễn, ảnh hưởng đến việc đi đứng; bên kia cả con và cháu cùng vướng vào vòng lao lý (N.H.T.N và bạn của N. mỗi bị cáo bị tuyên phạt 7 năm tù; T.H.C (cháu bà L.) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội cố ý gây thương tích).
...Đến chuyện nhổ nước bọt
Trước đó, TAND TPHCM xét xử phúc thẩm đã giảm 6 tháng tù, tuyên phạt bị cáo N.V.D (ngụ quận Thủ Đức - TPHCM) 4 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích.
Vợ chồng ông D. và vợ chồng V.V.L là đồng hương Thanh Hóa cùng vào TPHCM mướn nhà trọ gần nhau và mưu sinh với nghề bán thịt cầy. Bực mình vì vợ chồng L. vào sau, nhỏ tuổi hơn nhưng lại không biết điều nên giữa hai bên đã phát sinh mâu thuẫn.
Một lần, vợ của L. đi ngang và nhổ nước bọt trước quầy thịt của vợ ông D. Trước thái độ xem thường của người hàng xóm, vợ ông D. lớn tiếng chửi. Hai người phụ nữ xông vào đánh nhau cho thỏa những tháng ngày ôm nỗi uất ức, căm ghét trong lòng. Thay vì can ngăn, hai ông chồng lại lao vào nhau quyết sống mái. Bị L. dùng gạch tấn công, ông D. chụp con dao trên quầy thịt đâm khiến L. bị thương tật 61%, tổn thương thần kinh tọa để lại di chứng teo cơ mông phải, chân phải, hạn chế vận động.
Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức tuyên phạt ông D. 5 năm tù. Cho rằng giám định thương tật quá nặng so với thực tế, ông D. kháng cáo đề nghị cho giám định lại thương tật của L.
“Chồng tôi chỉ đâm vào mông L. thôi làm gì mà thương tật đến 61%, đó là do vết thương cũ của L. khi mổ ruột, bây giờ anh ta mượn gió bẻ măng, đổ vấy cho chồng tôi. Đấy, anh ta bảo ngồi xe lăn mà thực ra ở nhà anh ta vác những 30-40 kg… Chỉ ăn gian nói dối thôi’’ - vợ ông D. bức xúc. Nghe thế, vợ chồng ông L. lớn tiếng cãi lại. Không ai nhịn ai, dù họ đang ở chốn công đường. Bảo vệ tòa nhắc nhở, họ mới tạm “lui quân” nhưng vẫn hầm hè nhìn nhau. Có vẻ như sau phiên tòa này, mọi chuyện giữa họ vẫn chưa thể giải quyết ổn thỏa khi cả hai đều không chịu nhận ra lỗi của mình.
“Mối quan hệ láng giềng rất cần thiết, hệ trọng, có ý nghĩa quyết định sự yên bình trong cuộc sống hằng ngày. Hàng xóm cận kề, sát vách, nếu nhà hàng xóm cháy, liệu nhà mình có yên?” - một vị thẩm phán TAND TPHCM đã nói trong phiên tòa.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)