Nhóm lớp mầm non ngoài công lập đang giữ vai trò chủ lực trong việc chăm sóc trẻ mầm non dưới 3 tuổi ở Hà Nội.Tuy nhiên, rất nhiều bất cập và rủi ro đang rình rập những nhóm lớp này.
|
Chiều qua 15.10, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo bàn về việc quản lý các nhóm lớp mầm non ngoài công lập (NCL). Nhiều băn khoăn của cả người quản lý và người thực hiện cũng đã được giãi bày tại hội thảo này.
Chỉ cần học hết lớp... 9
Điều khiến những người làm công tác quản lý hiện nay lo ngại nhất là quy định về điều kiện mở nhóm lớp mầm non NCL quá dễ dãi.Quy định hiện nay của Bộ thì trình độ của chủ nhóm lớp mầm non chỉ cần học hết lớp 9, nghĩa là tốt nghiệp bậc THCS.
Bà Bùi Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông là người đầu tiên phát biểu bày tỏ lo ngại về vấn đề này.Chủ cơ sở thì trình độ thấp, giáo viên ngoại tỉnh và liên tục bỏ việc; cơ sở vật chất không đảm bảo là những nguyên nhân khiến bà Lệ luôn cảm thấy tính rủi ro rất cao rình rập các nhóm mầm non NCL.
Các đại biểu cũng cùng có chung lo lắng đặc biệt về điều này. Bà Trần Lan Anh, Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, bức xúc: một số chủ lớp mầm non trên địa bàn quận là người bán thịt lợn, thậm chí có người kinh doanh... lô đề. Chúng tôi rất lo lắng nhưng quy định chỉ cần trình độ tốt nghiệp THCS nên họ đủ điều kiện thì chúng tôi vẫn phải cấp phép cho họ hoạt động. Trong khi đó, dù quy mô khác nhau nhưng tất cả những quy định về hoạt động của nhóm lớp cũng hầu như không khác so với hoạt động của một trường mầm non.
Bà Hoàng Kim Phượng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Long Biên, địa bàn mà đầu năm học đã xảy ra vụ một cháu bé tử vong tại một nhóm lớp mầm non NCL, nói: “Không có căn cứ nào để tin tưởng và đảm bảo rằng một chủ nhóm lớp tốt nghiệp THCS, chỉ cần học nghiệp vụ quản lý 30 ngày mà có thể quản lý được nhóm lớp với những giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên”.
Xung quanh vấn đề này, các ý kiến đề nghị Bộ cần sửa đổi quy định, trong đó yêu cầu rõ trình độ của chủ nhóm lớp phải tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên và có ít nhất 3 năm dạy học mầm non.
Trước thực tế này, bà Lý Thị Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, giải thích: “Điều lệ trường mầm non ra đời khi hệ thống trường NCL chưa phát triển lắm và điều kiện thực tế lúc đó lại đang cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục”.
Bà Hằng cũng hứa sẽ rà soát lại văn bản và nghiên cứu đề xuất sửa đổi bất cập về quy định chủ nhóm lớp mầm non.
Rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào
Đánh giá về hoạt động của các cơ sở này, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Vẫn còn những cơ sở manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư do đó cơ sở vật chất của nhóm, lớp chưa đảm bảo theo yêu cầu quy định. Trong khi đó, cán bộ tổ giáo vụ mầm non của các phòng giáo dục còn mỏng dẫn đến công tác kiểm tra, phối hợp với các ban, ngành địa phương trong việc quản lý còn hạn chế”.
Bà Bùi Thị Lệ, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, bày tỏ: “Chúng tôi căng mình ra làm việc cả buổi trưa, cả thứ bảy nhưng lúc nào cũng cảm thấy vô cùng lo lắng trong việc quản lý những nhóm lớp mầm non NCL. Dường như rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào”.
Còn bà Nguyễn Thúy Thuận, Hiệu trưởng Trường mầm non Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, nơi được giao quản lý 27 nhóm lớp mầm non cho rằng: “Hầu hết các nhóm lớp đều thuê địa điểm vốn là nhà ở của dân, không phù hợp với việc tổ chức lớp học, không có sân vườn. Nhà hình ống nên cầu thang dốc, không đảm bảo an toàn cả về điều kiện đi lại lẫn phòng chống cháy nổ, bếp ăn cũng không đúng quy chuẩn...”.
Chủ trương là khuyến khích phát triển trường mầm non tư thục. Tuy nhiên, với thực tế dân số tăng cơ học như hiện nay, nhu cầu thực tế gửi trẻ vẫn tiếp tục tăng mạnh, trong khi số trường công lập vẫn hạn chế. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra đối với loại hình nhóm lớp NCL, kiên quyết đóng cửa những cơ sở không đảm bảo chất lượng.
Hơn 1.000 nhóm lớp mầm non Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Toàn thành phố hiện có 1.094 cơ sở nhóm, lớp được cấp giấy phép hoạt động. Các cơ sở mầm non NCL tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư như các quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hà Đông, Đông Anh, Từ Liêm... |
Tuệ Nguyễn
Bình luận (0)