Đường gây đột quỵ, bệnh tim, tiểu đường, béo phì, sâu răng, cao huyết áp và cả một số loại ung thư.
>> Ăn uống khi bị tiểu đường
>> Đẩy lùi tiểu đường bằng vitamin D
Ăn bao nhiêu đường là đủ ?
Trung bình một người Canada ăn 22 muỗng cà phê đường/ngày, riêng nhóm từ 14-18 tuổi ăn 41 muỗng đường ngày, theo tờ Globe and Mail. Người Mỹ bỏ bụng nhiều hơn con số 22 muỗng đường/ngày một chút, nhưng đó là chưa tính các loại chất ngọt tự nhiên trong thực phẩm, theo báo Time. Người Anh thì ít hảo ngọt hơn, tiêu thụ trung bình từ 11 tới 12 muỗng đường/ngày. Con số này ở trẻ con là 15, theo Daily Mail.
|
Cách đây 10 năm, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo đường trong tổng lượng calorie mà mỗi người tiêu thụ hàng ngày không nên quá 10%. Tính ra, với lượng trung bình 2.000 calorie mà một người phương Tây có thể trọng bình thường nạp vào cơ thể mỗi ngày, 10% tương đương với 50 gr đường, hay 12 muỗng cà phê. Đến này, con số này vừa được WHO đề nghị hạ xuống còn 5%, tương đương 6 muỗng cà phê, tức bằng gần ¼ mức tiêu thụ của người Mỹ, người Canada và ½ so với người Anh. Quả là một mục tiêu quá khó nuốt!
Bơi trong bể đường
Cả thế giới này đang ngụp lặn trong đường. Sẽ không ngoa tí nào khi nói điều đó. Nếu bạn muốn biết 6 muỗng đường, theo đề nghị của WHO là bao nhiêu thì chỉ cần làm một so sánh rất nhỏ: một lon nước ngọt phổ biến (330 ml) đã chứa tới 35 gr đường, tức gần 9 muỗng cà phê rồi. Mà đường đâu chỉ có trong nước ngọt, bánh kẹo hay kem.
Có thể bạn sẽ phải giật mình khi biết chỉ 1/3 lọ tương cà chua có kích thước trung bình cũng đã chứa tới 3 muỗng đường trong đó. Những thực phẩm làm từ các nguyên liệu chua như me, cà chua, chanh… dễ có khuynh hướng chứa rất nhiều đường để trung hòa độ chua. Hay một muỗng canh xốt mayonnaise trung bình đã có tới 4 muỗng cà phê đường.
|
Không thiếu những món nghe rất “lành” khác như trái cây đóng hộp, nước tăng lực bổ sung vitamin, sữa, ngũ cốc làm sẵn, trái cây khô, xốt ướp thịt… cũng thường xuyên được nhà sản xuất “âm thầm” đổ đầy đường để làm cho chúng hấp dẫn. Barry Popkin, giáo sư dinh dưỡng của Đại học Bắc Carolina-Chapel Hill (Mỹ) dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, đường được cho thêm vào đến 75% các loại thức ăn và nước uống đóng chai ở Mỹ.
Bạn sẽ phải chiếu cặp mắt cú vọ vào, ngay cả với sản phẩm xuất xứ từ những nước có quy định khắt khe về ghi nhãn mác như Mỹ, vì đường sẽ được ghi dưới rất nhiều cái tên nghe rất “hàn lâm” như fructose, maltose, sucrose…, rồi thì đường mật, đường nâu, mật ong, mật bắp, mật cây thích, chất tạo ngọt nhân tạo, nước trái cây cô đặc…
Ngọt mà đắng
Tỷ lệ 5% kể trên chỉ mới là đề nghị của WHO, chờ ý kiến của dư luận trước khi đưa ra con số chính thức, dự kiến là vào mùa hè này. Một con số phi thực tế trong bối cảnh hiện nay là nhận định của rất nhiều chuyên gia, cho rằng 10% còn “nghe lọt lỗ tai” chứ giảm đến phân nửa là chuyện không tưởng.
Nhưng cũng có những tiếng nói rất trái ngược, chẳng hạn từ bà Katharine Jenner, thuộc tổ chức Hành động vì đường ở Anh: “Quả là một thảm kịch khi WHO phải mất 10 năm mới tính tới chuyện thay đổi đề nghị về tiêu thụ đường”. Lý do của “thảm kịch này” thấy rất rõ: tờ Time dẫn nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau nhưng cho một đáp số chung: ăn ngọt thái quá làm tăng nguy cơ tử vong vì bệnh tim lên 20%, bất kể tình trạng sức khỏe đang ở mức nào.
Đường còn gây rối loạn chuyển hóa, làm tổn hại chức năng não, gây sâu răng, tăng nguy cơ tiểu đường, béo phì, thậm chí ung thư. Chỉ riêng ở nước Anh, cứ theo đà này, tỷ lệ người lớn béo phì sẽ tăng đến mức 50% dân số vào năm 2050, tương đương với con số 83 tỉ USD/năm gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Một số cuộc nghiên cứu còn gợi ý đường có thể gây nghiện.
Xem ra thế giới này vẫn đang rất dễ dãi với đường, không có một quy định nào để giới hạn nó, ngay cả giới hạn hàm lượng trong sản xuất thực phẩm. Nếu chúng ta thực sự xem đường là mối hiểm họa cho sức khỏe con người, vẫn có rất nhiều cách để “xử” nó, ví dụ đánh thuế đặc biệt lên đường giống như thuốc lá, cấm quảng cáo đồ ngọt cho trẻ con, áp dụng chuẩn về hàm lượng đường trong sản xuất nước uống, thức ăn và cả trong các nhà bếp của trường học, bệnh viện…
Kiều Oanh
Bình luận (0)