Bạn nên tự sướng đừng... tự tử

Khác với tự sướng, tự tử đã và đang là một vấn nạn buồn của xã hội khiến cho những người bình thường nhất nghe nói đến nó cũng cảm thấy xót xa.

“Tự sướng” là một khái niệm khá mới, chỉ thật sự xuất hiện trong ngôn ngữ Việt ở đầu thế kỷ 21. Thế nhưng, tâm trạng tự sướng hiểu theo cái nghĩa tự mình cảm thấy hạnh phúc sau khi làm thành công một công việc hay đạt được một mơ ước nào đó thì đã có từ lâu trong tâm hồn mỗi người rồi.

tin liên quan

Lối sống không rác
Anh Darshan Karwat (ảnh), người gốc Ấn Độ, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Michigan (Mỹ), đặt ra mục tiêu là số rác do anh thải ra suốt cả năm bỏ gọn trong 2 bọc ni lông, theo Oddity Central
Đầu thế kỷ 21, chiếc điện thoại thông minh ra đời, cho phép người ta tự chụp ảnh của mình hoặc chụp chung với người khác bằng chính máy của mình. Ảnh đó gọi là ảnh tự sướng (selfie). Khái niệm “tự sướng” lại có thêm một nội hàm mới.
Khác với tự sướng, tự tử đã và đang là một vấn nạn buồn của xã hội khiến cho những người bình thường nhất nghe nói đến nó cũng cảm thấy xót xa. Người ta tự tử vì nhiều lý do, có những lý do lớn như không lấy được nhau, bị phụ tình, phẫn chí vì bệnh tật triền miên, nhưng cũng có những lý do nhỏ xíu như bị nghi oan là bắt một con gà, bị vu cáo là bẻ trộm mấy trái bắp.
Sinh mạng con người là vốn quý tuyệt đối trên cuộc đời này nhưng trong một lúc không tự chủ được lòng mình, cá nhân đã tự đi tìm cái chết. Những người thân yêu và cả những người không quen biết đều cảm thấy đau đớn, xót xa. Cái gánh nặng tự tử đè lên vai của xã hội, trong đó hai ngành y tế và cảnh sát cứu hỏa là vất vả nhất.
Tích xưa kể rằng Khuất Nguyên (Khuất Bình) là một nhà văn viết từ giỏi, những tác phẩm của ông hình thành một phong cách Sở từ độc đáo. Ông làm quan thời Sở Hoài vương, sau đó làm quan thời Sở Khoảnh Tương vương.
Năm 277 trước Công nguyên, bị nhà vua phụ bạc, ông tuyệt vọng nhảy xuống sông Mịch La tự trầm đúng vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Ngày đó được xác định là Tết Đoan ngọ, từ đó người ta mới hình thành thông tục cúng bánh ú tro, ăn đồ hàn thực.
Các nhà viết sử đời sau có người khen Khuất Nguyên là tiết tháo nhưng cũng có người chê Khuất Nguyên là ngu trung. Riêng tôi, tôi rất thích Sở từ của Khuất Nguyên nhưng vẫn không thích cách tự tử của ông. Vua có chê ta, không dùng ta nữa thì ta vỗ đít mà đi, về cùng xóm làng, ruộng vườn hay rong chơi rừng xanh núi biếc.
Làm quan đến chức tả đô thì bề gì cũng tích lũy được một cục rồi, tự tử thì giải quyết được việc cóc gì, không chừng lại làm cho lão Sở Khoảnh Tương vương... tự sướng nữa!
Các nhà nho và các thanh quan của đất nước chúng ta sống đẹp hơn nhiều, lành mạnh hơn nhiều. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đậu đến trạng nguyên, làm quan lớn nhưng ngày về tâm hồn mới thanh thản làm sao: “Một mai, một cuốc, một cần câu/Thong thả dù ai vui thú nào/Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao/Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp/Nhìn xem phú quý tợ chiêm bao”. Cũng có những vị thanh quan bị nhà vua bạc đãi do đám xu nịnh gièm pha. Họ trở về làng quê, cởi áo làm dân, sống hòa đồng giữa làng xóm thân thuộc.
Ngày nhạc sĩ Phạm Duy còn sinh tiền, tôi lên thăm ông ở căn nhà nhỏ quận 11. Hôm đó, chúng tôi nói chuyện về ca khúc Chủ nhật xám - một ca khúc rất buồn của nhạc sĩ Hungary Reszo Seress, bản phóng tác lời Việt của Phạm Duy trên nền tảng bản tiếng Pháp Sombre Dimanche.
Tôi hỏi: “Anh à, ca khúc này được thu đĩa khiến cả trăm thanh niên Hungary, Pháp, Đức, Ba Lan… nghe xong là tự tử, các thanh tra cảnh sát đi điều tra các vụ án nghe qua cũng tự tử luôn. Một nhà sản xuất âm nhạc đánh giá: “Cả một mối tuyệt vọng bị dồn nén trong ca khúc. Tôi không nghĩ sẽ đem lại điều gì hay ho cho người nghe ca khúc này” - There's a sort of terrible compelling despair about it. I don't think it would do anyone good to hear a song like that. Thanh niên Việt Nam cũng đã nghe các ca từ rất buồn do anh viết “Tình tàn rồi nhưng em ơi/Lệ còn hồng đôi con ngươi”. Thế nhưng tại sao không có một thanh niên nào tự tử hết?”.
Nhạc sĩ Phạm Duy vỗ đùi: “Anh hỏi câu hay quá, trên 50 năm nay chưa ai hỏi tôi và tôi cũng chưa nghĩ đến điều này. Chủ nghĩa lãng mạn từ Tây phương du nhập đất nước ta có làm mềm tâm hồn thanh niên mình qua thi ca và âm nhạc nhưng căn bản là thanh niên mình có cuộc sống lành mạnh.
Cuộc kháng chiến lại mang đến cho thanh niên những giai điệu trẻ trung, hùng tráng. Người thanh niên Việt Nam nghe được cả hai dòng nhạc ấy, hai loại giai điệu ấy cho nên tâm hồn họ vẫn giữ được sự thăng bằng cần thiết, trong khi thanh niên Tây phương chỉ nghe được một loại tình ca lãng mạn. Vì thế mà họ tìm đến cái chết trong khi ở miền Nam thanh niên vẫn nghe Chủ nhật xám mà không ai tự tử”.
Bạn thấy đó, nhạc sĩ Phạm Duy phóng tác một ca khúc mà thế giới gọi là “ca khúc tử thần” nhưng thanh niên ở ta nghe xong rồi cũng chỉ thấy lòng mình xót xa một chút, ngậm ngùi một chút mà thôi. Không ai tự tử vì ca khúc này. Có loại hình văn hóa nào mà chất ai chất oán nhiều như trong bài ca vọng cổ và một số bài bản như Tứ đại oán trong đờn ca tài tử Nam bộ?
Thế nhưng thanh niên chúng ta vẫn nhận thức được đó là thế giới văn nghệ, còn đời thật chúng ta thì khác. Thanh niên ta sống lành mạnh, tâm hồn thanh thản, không ai nghĩ đến cái chết từ một bài hát hay giai điệu buồn. Âm nhạc vốn có tác động mãnh liệt, nhạc sĩ Phạm Duy nói vậy là đánh giá rất cao tinh thần lạc quan và thái độ tích cực của thanh niên.
Cuộc sống chúng ta hôm nay rộng mở, biên độ giao tiếp của người thanh niên cũng rộng mở. Ai trong chúng ta thi thoảng vẫn gặp chuyện buồn, chuyện chán nhưng rồi mọi việc ấy sẽ qua đi bởi cuộc sống này không cho phép cá nhân tự ngồi một chỗ, bó gối nghĩ quanh nghĩ quẩn một mình. Bạn hãy suy nghĩ tích cực, mạnh dạn xua đuổi những ám tượng buồn bã ra khỏi đầu óc và sống thật thoải mái, thật lành mạnh.
Đời cho phép chúng ta tự sướng, vậy có cơ hội thì hãy tự sướng. Chiều thứ sáu nghỉ ngơi thoải mái, nên có một bữa ăn đầm ấm với gia đình hay bè bạn cùng cơ quan. Sáng thứ bảy thức dậy muộn một chút, hãy đi uống cà phê, ăn sáng với bạn bè hay hàng xóm; nói chuyện vui cho lòng thanh thản. Kiếm một dịp nào đó, chụp ảnh tự sướng; giả vờ nhăn nhó hay cau có. Cái iPhone coi vậy mà hay đáo để.
Có dịp cơ quan đi chơi xa, bạn nên đi cùng. Hãy cắt tuốt mọi liên lạc qua điện thoại di động, máy tính; tận hưởng không khí trong lành và thiên nhiên tươi đẹp bên bạn bè. Việc xa bớt những phương tiện công nghệ thông tin là điều cần thiết để làm cho tâm hồn mình bình an. Coi vậy chứ máy tính và điện thoại làm cho ta rất mệt mỏi. Cắt bớt nó là cách giúp ta .không nghe, không thấy và không… bực mình.
Cuộc sống vui vẻ giúp mình tự cảm thấy hạnh phúc. Gọi điện thăm cha mẹ, vợ chồng, con cái, nói mấy lời dịu dàng là hạnh phúc. Hỏi thăm một người bạn thân sống ra sao, con cái thế nào là hạnh phúc. Điện thăm một người mà mình… ghét nhất, hỏi họ có vui vẻ không, xí xóa chuyện mâu thuẫn (nếu có) của ngày xưa, cùng cười ha ha là hạnh phúc. Đi xem một cuốn phim, thăm một phòng tranh là hạnh phúc. Hạnh phúc ở quanh ta, thiên hình vạn trạng, đôi khi không cần tìm mà nó vẫn đến.
Chuyện vui kể rằng anh nọ không vợ không con, không bè không bạn, làm ra tiền bạc cũng ít, lại ho hen ốm yếu quanh năm, nhiều lần nghĩ đến chuyện tự tử. Tuy nhiên, anh ta vẫn đau đáu đi tìm hạnh phúc cho mình.
Cặp chân anh ta đáng lẽ mang giày số 40 mới vừa thì anh ta lại mua đôi giày số 39. Suốt ngày, anh ta xỏ chân vào giày đi làm, hai chân bó rọ, tụ máu rất khó chịu. Buổi chiều về nhà cởi được đôi giày giải phóng cho đôi chân, anh ta cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Đó cũng là một cách tự sướng. Tóm lại: Nên tự sướng, đừng tự tử !
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.