Có người dân đã phải chọn cách trên trong tình cảnh tiếng ồn tại TP.HCM ngày càng gia tăng.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh, ngụ tại đường Bùi Thị Xuân (Q.1), vẫn còn ám ảnh bởi những đêm không thể chợp mắt khi sinh sống trong căn nhà cũ trên đường Thái Văn Lung (Q.1).
Giữa muôn trùng vây
Chị Thanh kể: “Sát vách nhà tôi là một quán bar. Mỗi đêm, tiếng giày cao gót, tiếng bước chân đi lại bên quán bar dội vào nhà. Càng về khuya, càng thanh vắng thì tiếng giày cao gót bên kia càng nghe rất rõ và tôi chẳng thể nào chợp mắt được, thường xuyên bị stress”. Dù đã thuê thợ về làm vách cách âm nhưng vẫn không ngăn được tiếng ồn, cuối cùng, chị Thanh đành bán nhà đi nơi khác sinh sống.
Thực tế, tại TP.HCM hiện nay, người dân phải chịu đủ loại tiếng ồn. Điển hình như việc đặt loa công suất lớn hướng ra đường để phát nhạc, phát thanh của các cửa hàng, shop thời trang đang trở thành trào lưu. Đường Phạm Hùng đoạn từ Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) đến cầu Chánh Hưng (Q.8) dài khoảng 2 km nhưng có đến hàng chục siêu thị điện thoại di động, điện máy, shop thời trang quảng cáo bằng cách đặt loa hướng ra đường.
Nắp cống cũng là thủ phạm
Nhiều hộ dân sinh sống ở các tuyến đường có nhiều xe tải, xe container lưu thông thì thường xuyên bị hành hạ bởi tiếng ồn từ các loại xe này. Ông Nguyễn Văn Chín, nhà ở đường Nguyễn Tất Thành, Q.4 nói: “Đêm khuya, khi xe container chạy lên ổ gà nghe đánh rầm như tiếng bom nổ, mà đâu phải chỉ một xe, cả đoàn xe, rồi tiếng ồn từ còi xe nữa. Chẳng đêm nào tôi có thể ngủ yên”.
Ngoài những tiếng ầm ầm của xe cộ thì nắp cống cũng là một “thủ phạm”. Trong nhiều đơn thư của bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên phản ánh tiếng ồn thì tình trạng nắp cống bị chênh, nghiêng, hư hỏng nên mỗi khi xe cộ cán qua, phát ra tiếng ầm ầm chiếm số lượng khá lớn. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Điện Biên Phủ, Võ Văn Kiệt... đang tồn tại những nắp cống như thế.
Vượt ngưỡng Theo một báo cáo chất lượng môi trường của Trung tâm quan trắc TP.HCM gần đây, tiếng ồn trên các đường phố luôn vượt ngưỡng từ 7 - 10 dBA (chuẩn là 70 dBA). Một nhóm sinh viên thuộc bộ môn địa lý môi trường - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về ô nhiễm tiếng ồn trên trục đường Kha Vạn Cân, QL13 thuộc địa bàn Q.Thủ Đức đã đo được độ ồn trên 2 trục đường này có khi lên đến 96 - 98 dBA. |
Thanh Đông
>> Chịu không nổi tiếng ồn
>> Khổ vì tiếng ồn
>> Mệt mỏi vì tiếng ồn
Bình luận (0)