Ban nhạc của các bạn trẻ mắc hội chứng Down
22/03/2018 12:12 GMT+7
Tại TP.HCM có một ban nhạc đặc biệt, với các thành viên là những bạn trẻ mắc hội chứng Down và khuyết tật trí tuệ.
Tự động phát
Ban nhạc này đã ra đời và hoạt động hơn 9 năm nay, với tên gọi là My Future (tạm dịch: Tương lai của tôi).
Video: Ban nhạc của nhóm bạn trẻ mắc hội chứng Down
|
Nhiều năm bền bỉ tập luyện
Mới đây, My Future đã có buổi biểu diễn ấn tượng tại Trường quốc tế Canada (quận 7, TP.HCM), nhân hưởng ứng Ngày hội chứng Down thế giới 21.3.
Tại đây, các thành viên: Nguyễn Hà Thanh, Lê Hoài Yến Linh, Nguyễn Ngọc Lan Anh, Quỳnh Như, Mạc Đăng Mừng... đã tham gia nhảy múa tập thể sôi động và dễ thương qua những tiết mục Chicken dance, Trái đất này là của chúng mình. Bên cạnh đó, mỗi thành viên còn thể hiện năng khiếu riêng qua việc múa, hát, đàn organ, kể cả biểu diễn võ Aikido.
Khán giả đã dành nhiều tràng vỗ tay tán thưởng những “nghệ sĩ” độc đáo này. Hà Thanh (28 tuổi), cô gái mắc hội chứng Down bẩm sinh, hồ hởi nói: “Hôm nay em biểu diễn bài Lý cây đa, em rất vui và rất... sung. Em được giao lưu múa hát tập thể, thấy tự tin khi đứng trước nhiều người”.
Trong ban nhạc My Future, có ít nhất ba thành viên biết đàn organ, đó là Lan Anh, Hà Thanh và Đăng Mừng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (mẹ của Hà Thanh), sáng lập và quản lý ban nhạc My Future, cho biết: “Để đánh đàn được một bài, những em mắc hội chứng Down có khi phải luyện tập bền bỉ trong nhiều năm. Bởi các em không đọc được bản nhạc mà chỉ học thuộc lòng nốt nhạc. Sau khi đã chơi được một vài bài, thời gian các em tập những bài sau đỡ hơn, khoảng ba tháng/bài”.
Với những tiết mục khác (múa, hát..), việc tập luyện cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn tột bậc. Bà Thu Hà tâm sự: “Người bình thường học biểu diễn đã khó. Với các bạn mắc hội chứng Down và khuyết tật trí tuệ, việc đó càng gian nan hơn ngàn lần. Để có thể biểu diễn trước công chúng như ngày hôm nay, các bạn trong ban nhạc đã vượt qua chặng đường rất dài, từ 17 - 28 năm. Cha mẹ, thầy cô, anh chị em, tình nguyện viên... đã và đang tiếp sức không mệt mỏi cùng các em. Cho nên, mỗi tiết mục đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và tình cảm yêu thương của biết bao người, nhất là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính các bạn khuyết tật này”.
Biết sử dụng vi tính, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh
Ban nhạc My Future có từ 5 - 10 thành viên tham gia, tùy vào khả năng đưa đón của phụ huynh. Nhóm chủ yếu gồm những bạn mắc hội chứng Down, trong độ tuổi từ 17 - 28.
Đề cập lý do ra đời của nhóm My Future, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhớ lại: Ở độ tuổi từ 16 - 18, những đứa trẻ mắc hội chứng Down (trong đó có con của bà Hà - PV) được yêu cầu rời khỏi trường chuyên biệt do đã quá tuổi quy định. Sau khi rời trường, các bạn này không biết làm gì, chỉ ngồi ở nhà xem tivi rồi... ngủ. Chính vì vậy, bà Hà cùng một số phụ huynh đã liên kết lại, quyết định thành lập nhóm My Future vào tháng 1.2009, với mục đích: Giúp các bạn nói trên có môi trường duy trì những kỹ năng tích lũy trước đó cũng như phát triển những kỹ năng sống mới.
Nhờ đó, các bạn trẻ này không chỉ học cách tự chăm sóc bản thân, phụ việc nhà và nấu những món ăn đơn giản mà còn được tạo điều kiện phát huy sở thích, khả năng biểu diễn văn nghệ. Bà Hà giải thích: “Các con cực kỳ sung sướng và hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu, được biểu diễn trước đông đảo khán giả và được mọi người vỗ tay hoan hô. Điều đó tạo thêm cho các con sự tự tin trong cuộc sống”.
Thời gian qua, My Future đã trình diễn tại nhiều trường học, nơi công cộng, sân chung cư... Thù lao của các thành viên dựa vào thùng quyên góp tùy hỉ ở mỗi điểm biểu diễn.
|
|
|
Đặc biệt, vào tháng 9.2013, một số thành viên ban nhạc My Future đã có dịp sang Bangkok (Thái Lan) biểu diễn trong Hội nghị Mạng lưới thống nhất của người khuyết tật tại tiểu vùng sông Mê Kông. Là một trong những phụ huynh sát sao theo đoàn vào thời điểm đó, bà Tôn Thị Kim Diên (mẹ của bạn Lê Hoài Yến Linh) kể: “Xét về số lượng thành viên, My Future là nhóm nhỏ nhất, song lại có những hoạt động khá nổi bật. Đặc biệt, các em có vẻ khờ khạo nhưng đã khiến nhiều người trầm trồ khi biểu diễn những bài Trống Cơm và Chicken dance”.
Quản lý ban nhạc My Future cho hay hướng đi sắp tới của nhóm là sẽ liên kết một số đơn vị hoặc nỗ lực tìm thêm nhiều cơ hội, địa điểm biểu diễn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, sự ra đời và hoạt động bền bỉ của ban nhạc My Future đã tạo sân chơi và việc làm cho những bạn trẻ khuyết tật. Mặt khác, đây cũng là một cách để nâng cao nhận thức xã hội về năng lực của các bạn mắc Hội chứng Down. Được biết, một số thành viên trong nhóm biết sử dụng vi tính, có thể giao tiếp bằng tiếng Anh...
“Nếu như không may có con mắc hội chứng Down, các bậc cha mẹ đừng quá thất vọng và đánh mất hi vọng; thay vào đó, nên chấp nhận chuyện con mình và tìm cách giúp con, cũng là để giúp cả gia đình mình. Bởi vì khi con tự tin, độc lập, trưởng thành thì gia đình mình sẽ bớt đi gánh nặng đáng kể”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nhắn nhủ.
Theo một số tài liệu nghiên cứu, hội chứng Down là một hội chứng do đột biến số lượng nhiễm sắc thể, cụ thể là thừa một nhiễm sắc thể 21. Cứ khoảng 700 - 800 trẻ sơ sinh thì có 1 trẻ mắc hội chứng này. Thống kê cho thấy tuổi mẹ càng cao thì tần số sinh con mắc hội chứng Down càng lớn.
Ngày Hội chứng Down thế giới diễn ra vào ngày 21.3 hằng năm, biểu thị việc một người có ba nhiễm sắc thể thứ 21. Đây là ngày nâng cao nhận thức của công chúng về hội chứng Down.
|
Bình luận (0)