Thử tưởng tượng một ngày bạn nhận được một đề nghị: “Bạn hãy gửi tiền để tôi đầu tư (với điều kiện bạn không được phép biết tôi sẽ quản lý khoản tiền của bạn như thế nào, chi tiêu ra sao). Tôi cũng không dám chắc là sẽ đủ tiền để trả lại bạn sau vài chục năm nữa khi đáo hạn, vì theo dự báo quỹ của tôi có nguy cơ bị vỡ”. Liệu bạn có sẵn sàng tham gia cuộc chơi mà toàn thấy phần thiệt về mình như thế không?
Đáng tiếc, đó là câu chuyện hiện nay về bảo hiểm xã hội (BHXH) ở VN.
Kiểm toán Nhà nước đã vừa chỉ ra hàng loạt vấn đề và dự báo nhiều quỹ bảo hiểm sẽ bị âm trong tương lai rất gần. Trong đó, Quỹ hưu trí - tử tuất dự báo đến năm 2031 chênh lệch thu chi bắt đầu âm tới 35.962 tỉ đồng.
Điều này đã được cảnh báo từ lâu, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có một kết quả kiểm toán rõ ràng về hoạt động của một quỹ có nguồn thu khoảng 7 tỉ USD mỗi năm, lấy từ 26% tổng quỹ lương toàn xã hội này. Ngoài các con số liên quan đến chi sai nguyên tắc, cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế... thì có lẽ còn rất nhiều vấn đề cần phải được BHXH giải thích, công bố công khai. Chẳng hạn như chi quản lý bộ máy mà năm sau tăng tới hơn 75% so với năm trước (?). Chẳng hạn như BHXH đã dùng tiền đầu tư như thế nào, lợi nhuận ra sao?...
BHXH, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí, không phải là thuế hay phí phải nộp, mà là khoản tiền “giữ hộ” cho công dân dành cho tuổi già. Khoản này đương nhiên thuộc sở hữu của người lao động, và nghiễm nhiên với tư cách chủ đầu tư, họ có quyền được biết cụ thể và chi tiết mọi hoạt động của quỹ. Hàng triệu người đóng BHXH cần được báo cáo về tình hình “tiền tiết kiệm” của mình một cách có hệ thống và liên tục, cụ thể là có báo cáo tài chính được kiểm toán, cập nhật hoạt động đầu tư, thậm chí là phải được quyền bầu ban đại diện cho quyền lợi của mình ở hội đồng quản trị quỹ.
Đó là cách làm đang được thực hiện ở hầu hết các quốc gia theo mô hình nhà nước phúc lợi.
Minh bạch hóa thông tin để Quỹ BHXH hoạt động hiệu quả hơn là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là khi mức tiền đóng góp BHXH bắt buộc ở VN hiện cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, nếu tính gộp các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn,... mức phí đóng góp đã lên đến 35,5% lương của người lao động, gần bằng quốc gia có mức thu cao nhất là Singapore (37%). Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, cũng chỉ có mức đóng góp gần 29%.
Nếu không có được niềm tin về “người bán bảo hiểm” uy tín, minh bạch và liêm chính thì chuyện chống trốn đóng bảo hiểm, nợ đọng hay mở rộng đối tượng bảo hiểm tự nguyện chỉ là ước mơ mà thôi.
Bình luận (0)