Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM: Khó lợi dụng quy định mua tin để vu khống

02/11/2023 17:46 GMT+7

Người cung cấp thông tin sẽ được bảo vệ bí mật danh tính, kẻ xấu khó có thể lợi dụng quy định mua tin của Thành ủy TP.HCM để vu khống, tố cáo nặc danh.

Bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin 

Chiều 2.11, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn trong tuần qua. Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của dư luận là quy định mua tin phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Thành ủy TP.HCM hồi cuối tháng 10.2023.

Lý do ban hành quy định về mua tin, ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho biết, mục đích nhằm xây dựng đầy đủ các quy chế, quy định, quy trình trong tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM.

Điều 5 luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác phòng chống tham nhũng nên việc ban hành quy định này có tính chất khuyến khích, động viên người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, quy định còn có ý nghĩa như ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, là TP.HCM luôn dựa vào dân và mong muốn có sự đồng hành của người dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM: Khó lợi dụng quy định mua tin để vu khống - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, giải đáp các câu hỏi của báo chí về quy định mua tin phòng chống tham nhũng, tiêu cực

NGUYỄN ANH

Về việc bảo mật thông tin, sự an toàn của người cung cấp, ông Trung cho biết quy định mua tin đã nêu rõ biện pháp bảo đảm bí mật, an toàn cho người cung cấp thông tin theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Người cung cấp thông tin có các quyền được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác khi cung cấp thông tin. Ngoài ra, toàn bộ hồ sơ, thủ tục chi trả sẽ được thực hiện theo chế độ mật, chỉ những người có thẩm quyền mới có quyền xem những hồ sơ này.

Trả lời câu hỏi cơ chế mua tin có bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh hay không, ông Trung khẳng định cơ chế này sẽ khó có thể bị lợi dụng để vu khống, tố cáo nặc danh. Lý do, khoản 2 điều 5 của quy định nêu rõ người cung cấp thông tin phải cung cấp rõ họ tên, số căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên lạc và giữ mối liên hệ với người tiếp nhận thông tin, nên sẽ không thể có trường hợp nặc danh hoặc mạo danh.

Bên cạnh đó, người cung cấp thông tin cũng phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin, tài liệu do mình cung cấp; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo, phản ánh sai sự thật của mình gây ra.

Mong báo chí tiếp tục đồng hành

Còn về mức chi tối đa là 10 triệu đồng mỗi tin, Phó trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM giải thích mức chi này thực hiện theo Hướng dẫn số 53 năm 2015 của Văn phòng Trung ương Đảng và Công văn số 900 năm 2014 của Ban Nội chính Trung ương.

Ông Trung nhìn nhận cũng chưa có thước đo cụ thể để xác định số tiền này nhiều hay ít, hoặc đã đáp ứng mong muốn của người cấp tin hay không. Tuy nhiên, Thường trực Thành ủy TP.HCM nhận định "cán bộ, đảng viên, nhân dân cung cấp thông tin với mục tiêu cao nhất là để xây dựng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chính; nên mức chi trả là hình thức để khuyến khích công dân thông tin, còn mục tiêu cao nhất, chung nhất vẫn là làm sao đạt hiệu quả về phòng chống tham nhũng, tiêu cực".

Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM: Khó lợi dụng quy định mua tin để vu khống - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì một phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM

NGUYÊN VŨ

Lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho biết từ trước đến nay, việc ghi nhận thông tin về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được thành phố triển khai thông qua tiếp công dân, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kiểm tra, thanh tra, giám sát...

Đến nay, Thành ủy TP.HCM ban hành quy định mua tin sau khi nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Trung ương, kinh nghiệm triển khai của của một số tỉnh, thành và nhằm để khuyến khích, động viên người dân cung cấp thông tin để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Trung cho biết Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM được thành lập cuối năm 2022 nên việc ban hành quy định thời điểm này là một bước để hoàn thiện các quy trình hoạt động của ban chỉ đạo.

Lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cũng mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành, chia sẻ cũng như có sự góp ý, hiến kế để giúp ban chỉ đạo, cơ quan thường trực ban chỉ đạo hoàn thành tốt nhất công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn.

Các địa chỉ tiếp nhận thông tin

Người dân có thể cung cấp thông tin trực tiếp cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, các thành viên ban chỉ đạo và bộ phận tiếp nhận thông tin của Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM.

Địa điểm tiếp nhận có thể tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP.HCM (15 Nguyễn Gia Thiều, P.Võ Thị Sáu, Q.3) do đại diện Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM tiếp nhận, xử lý hoặc trụ sở Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM (137 Trương Định, P.Võ Thị Sáu, Q.3).

Người dân cũng có thể gửi văn bản qua đường bưu điện, hoặc hộp thư điện tử của pctntc.thanhuy@tphcm.gov.vn. Thông tin có thể là văn bản giấy, file mềm, file ảnh, file video, ghi âm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.