Ông Nguyễn Văn Tấn mở một quán phở tại huyện Bình Chánh nhưng làm chậm giấy phép đăng ký kinh doanh. Sau đó, ông Tấn bị khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về hành vi Kinh doanh trái phép.
Mở quán bán phở chậm đăng ký kinh doanh ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố hình sự |
Luật sư Nguyễn Duy (Công ty Luật TNHH MTV Duy Nguyễn, TP.HCM), người bào chữa cho ông Tấn đã chia sẻ vụ việc cùng Thanh Niên.
Quán phở của ông Nguyễn Văn Tấn khai trương ngày 8.8.2015, đến ngày 13.8.2015 thì bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngay trong ngày, ông đi đăng ký giấy phép kinh doanh.
Ngày 18.8.2015 Thủ trưởng Công an huyện Bình Chánh ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền nộp phạt là 17.000.000 đồng. Ông Tấn nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh vào ngày 19.8.2015.
Đến ngày 4.9.2015, ông Tấn hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và nhận được giấy hẹn trả kết quả vào ngày 29.9.2015.
Ngày 10.9.2015 quán phở tiếp tục bị kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Đến ngày 25.9.2015 ông Tấn bị đưa ra khởi tố vụ án hình sự về tội Kinh doanh trái phép.
Luật sư (LS) Nguyễn Duy (Công ty Luật TNHH MTV Duy Nguyễn, TP.HCM), người bào chữa cho ông Nguyễn Văn Tấn cho biết việc ông Tấn bị khởi tố về tội “Kinh doanh trái phép” trong khi CQĐT chưa đưa ra được cơ sở buộc tội chặt chẽ dường như đang bị "quan trọng hóa vấn đề"?
Chưa đủ chứng cứ đã kết luận tội
Theo hồ sơ cung cấp của LS Nguyễn Duy, trong kết luận điều tra số 76/KLĐT (KT-CV) ngày 25.1.2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Công an huyện Bình Chánh cho rằng hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Tấn đã vi phạm: Điểm b, Khoản 1, Điều 34, Chương V Luật An toàn thực phẩm và Khoản 2, Điều 5, Thông tư 47/2014/TT-BYT. Sau đó kết luận hành vi của bị can Nguyễn Văn Tấn phạm vào tội “Kinh doanh trái phép” được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 1999 (BLHS) nước CHXHCN Việt Nam.
|
|
|
Như vậy muốn buộc tội ông Tấn theo Điều 159 thì ít nhất phải chứng minh ông Tấn có một trong các hành vi “kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép
|
|
|
Luật sư Nguyễn Duy
|
|
|
Điều 159 BLHS 1999 quy định: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
“Như vậy muốn buộc tội ông Tấn theo Điều 159 thì ít nhất phải chứng minh ông Tấn có một trong các hành vi “kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép”, LS Duy nhận định.
Tuy nhiên, ông Tấn đã được UBND huyện Bình Chánh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng với nội dung trong giấy đăng ký là: “Bán ăn uống, cà phê, nước giải khát – 56101”.
Cũng theo LS Duy, hai cơ sở pháp lý CQĐT đưa ra là ra Điểm b, Khoản 1, Điều 34, Chương V Luật An toàn thực phẩm và Khoản 2, Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BYT để buộc tội bị can Nguyễn Văn Tấn không hề nhắc tới những vấn đề này mà chỉ quy định về điều kiện được cấp cũng như cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.
"Kết tội vô cùng bất hợp lý"
LS Nguyễn Duy cho rằng có nhiều điểm bất hợp lý trong việc kết tội ông Nguyễn Văn Tấn của CQĐT.
Đầu tiên, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh số 41T8021904 do UBND huyện Bình Chánh cấp ngày 19.8.2015, tại phần ngành, nghề kinh doanh có nêu rõ: “Bán ăn uống, cà phê, nước giải khát - 56101 (Không kinh doanh rượu. Chỉ hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao).
Tuy nhiên, văn bản pháp luật quy định về thực phẩm có nguy cơ cao là Pháp lệnh an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2003 đã hết hiệu sau khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành năm 2010. Trong Luật An toàn thực phẩm năm 2010 và các văn bản hướng dẫn của luật này không còn nhắc đến khái niệm “thực phẩm có nguy cơ cao”.
Thứ hai, về vấn đề Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP theo căn cứ pháp lý mà CQĐT đưa ra là hoàn toàn mâu thuẫn. Vì theo nội dung Khoản 1, Điều 3, Thông tư 58/2014/TT-BCT quy định thì hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Tấn là cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Có rất nhiều tình tiết bất hợp lý trong kết luận điều tra - Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
|
Trong khi Điều 12, Chương 4, Nghị định 38/2012/NĐ – CP với khoản 1 quy định: “Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện đối với từng cơ sở sản xuất, kinh doanh; từng nhà máy sản xuất độc lập tại một địa điểm trừ các trường hợp: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; Bán hàng rong; Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định”.
Như vậy, CQĐT đã mâu thuẫn ngay trong chính căn cứ buộc tội mà mình đưa ra.
Ngày 4.9.2015 hộ kinh doanh ông Nguyễn Văn Tấn nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, khi ông Tấn đến nhận kết quả theo giấy hẹn (Giấy hẹn ngày 29.9.2015) thì không được cấp giấy và bị trả hồ sơ lại.
Trong khi từ lúc nộp hồ sơ đến nay, chưa có đoàn thẩm định nào đến kiểm tra xem cơ sở của ông Tấn có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận hay không cũng như chưa có một văn bản nào chính thức trả lời, nêu rõ lý do cơ sở không đủ điều kiện và yêu cầu không được phép hoạt động kinh doanh theo như quy định tại Quy trình cấp Giấy chứng nhận.
Có thể thấy từ lúc ông Nguyễn Văn Tấn bắt đầu kinh doanh quán đến lúc bị khởi tố hình sự chưa đầy 2 tháng và liên tục bị các đoàn công an huyện đến kiểm tra. Theo Bộ Luật hình sự mới 2015 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2016), tội Kinh doanh trái phép đã được loại bỏ nhằm khuyến khích cá nhân tham gia kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm.
Sau khi thông tin về vụ việc hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố được đăng tải trên phương tiện thông tin truyền thông, nhiều Luật sư đã liên hệ với Thanh Niên sẵn sàng bào chữa miễn phí nếu ông Tấn cần hỗ trợ.
Xử lý vi phạm hành chính là đủ răn đe
Trước tiên phải nói tinh thần “trách nhiệm cao” của cơ quan Công an huyện Bình Chánh khi phát hiện và xử lý một cách rốt ráo và tích cực về vụ “Bán phở chậm xin giấy phép, bị khởi tố hình sự”.
Lạ hơn nữa là sau khi bị lập biên bản (lần 1) xử phạt hành chính với hành vi kinh doanh không phép vào ngày 13.8.2015 thì ngay hôm sau anh Tấn đã làm thủ tục và được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy phép hộ kinh doanh cá thể. Đến ngày 10.9.2015 Công an lại kiểm tra lúc này anh Tấn đã có giấy phép và thời điểm này quán của anh cũng không bán thức ăn nữa nhưng vẫn bị xử lý.
Chưa kể trong hồ sơ vụ án thể hiện việc lập biên bản hành chính lần 1 và lần 2 còn nhiều khuất tất về xác định hành vi vi phạm của anh Tấn, người làm chứng, bằng chứng vi phạm, cơ quan tổ chức kiểm tra xử lý…
Như vậy, việc cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh khởi tố anh Nguyễn Văn Tấn phạm tội “Kinh doanh trái phép” là quá khiên cưỡng và không có cơ sở pháp lý vững chắc về mặt luận tội.
Rõ ràng, anh Tấn chỉ có hành vi kinh doanh không có giấy phép (đã bổ sung) và hành vi này chỉ bị xử lý vi phạm hành chính là đủ yếu tố răn đe và ngăn chặn vi phạm rồi, còn với biên bản thứ 2 là một lỗi khác thì lấy căn cứ gì để “hình sự hóa” khi xác định hành vi của anh Tấn vi phạm theo điểm a khoản 1 điều 159 Bộ luật Hình sự để truy tố thì đúng là sự nhầm lẫn tai hại về áp dụng pháp luật hình sự.
Tất nhiên người ta có thể đổ lỗi cho mặt quan điểm nhận thức pháp lý, nhưng việc cơ quan CSĐT – Công an huyện Bình Chánh truy tố anh chủ quán phở thì dư luận không thể không đặt câu hỏi về cách hành xử quyết tâm của nhà chức trách.
Việc Công an huyện Bình Chánh cứ cố khởi tố cho bằng được anh Nguyễn Văn Tấn chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang khuyến khích mọi người dân và doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội!
(Luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn)
|
Bình luận (0)