Chính vì quan liêu, nên theo bà Trang, mối liên kết gắn bó giữa Ban quản lý Trung tâm Thương mại - Dịch vụ An Đông (BQL chợ An Đông) với tiểu thương chợ hầu như không có, khiến hàng loạt khiếu nại của tiểu thương không được giải quyết, dẫn đến bức xúc lâu ngày, tiểu thương không còn niềm tin vào BQL cũng như chỉ đạo giải quyết vấn đề từ UBND Q.5 nữa.
Tại buổi gặp gỡ, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết TP.HCM đã thành lập đoàn thanh tra một số nội dung về thu chi, sửa chữa tại chợ An Đông. Qua đó, khẳng định số tiền quầy sạp mà tiểu thương kiến nghị đã thu chính xác là hơn 217 tỉ đồng chứ không phải 237 tỉ đồng như phản ánh. Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, qua đối chiếu với sao kê của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương - Phòng Giao dịch An Đông từ 1.3.2013 đến 11.1.2017, sổ sách kế toán cho thấy BQL đã nộp 217 tỉ đồng vào Kho bạc Nhà Nước Q.5 (đã bao gồm 400 triệu đồng tiền lãi ngân hàng và trừ chi phí phục vụ cho công tác triển khai ký kết hợp đồng giai đoạn 2013-2017). Theo hồ sơ chứng từ của BQL chợ An Đông cung cấp, số tiền thuê quầy sạp theo phương án dự trù là 237 tỉ nhưng BQL đã có giảm trừ cho tiểu thương đóng 1 lần 10%, tiểu thương đóng 2 lần 5% và tiểu thương có quầy sạp vị trí không thuận lợi... nên số tiền thực thu là 217 tỉ và dùng để sửa chữa chợ.
Về kiến nghị số tiền thuê quầy sạp trong hợp đồng có tính thuế giá trị gia tăng (VAT) nhưng BQL giao tiểu thương hóa đơn thông thường, không thể hiện thuế giá trị gia tăng. Như vậy, tiền thuế giá trị gia tăng trên tổng số tiền thuê sạp trên 200 tỉ đồng đi đâu? Theo kết luận của thanh tra là các khoản thu đều được nộp vào Kho bạc Nhà nước Q.5. “Tuy nhiên, việc BQL có áp dụng VAT vào tiền thuê quầy sạp là chưa chấp hành đúng quy định theo luật Thuế VAT".
Về kiến nghị cho rằng BQL đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến việc sửa chữa nâng cấp chợ và xây nhà vệ sinh. Tuy nhiên, theo thông báo kết quả kiểm tra thì các gói thầu tư vấn đều có giá trị nhỏ hơn 3 tỉ đồng, các gói thầu xây lắp cũng nhỏ hơn 5 tỉ đồng, tức nằm trong hạn mức được chỉ định thầu theo các quy định của pháp luật.
Từ kết luận thanh tra, UBND TP.HCM đã giao UBND Q.5 công khai số tiền thu, chi từ hợp đồng cho thuê địa điểm kinh doanh trong giai đoạn 2012-2016; việc gửi tiền thu được từ việc cho thuê sạp vào ngân hàng và các khoản thu, chi khác theo đúng quy định. Ngừng việc thu tiền cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2 theo hợp đồng đã ký kết với tiểu thương (đến hết ngày 31.12.2017). Đồng thời, khẩn trương xây dựng bảng giá thuê quầy sạp cho 5 năm tiếp theo căn cứ theo luật Giá, luật Phí và lệ phí (trước quý 3 năm nay), giá cho thuê địa điểm kinh doanh của giai đoạn 2017-2021 được tính trên cơ sở phí quản lý và các khoản phí khác.
Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5 cũng cho biết tháng 7 tới sẽ khởi công sửa chữa nâng cấp nội ngoại thất chợ, 4 mặt tiền chợ và ô giếng trời. Song song đó tiến hành các hoạt động chống thấm, chống dột chợ. Đến tháng 12 năm nay mới triển khai gói thầu lắp máy lạnh chợ. Như vậy, một lần nữa, mong muốn có một môi trường mua bán mát mẻ, sạch sẽ của tiểu thương chợ bị chậm thêm 1 năm nữa. Trước đó, vào ngày 11.10.2016, Chủ tịch UBND Q.5 trong buổi đối thoại với tiểu thương cũng hứa lắp máy lạnh sớm, chỉnh sửa khang trang chợ để thu hút khách mua sắm.
Trước thông tin này, đa số tiểu thương đồng ý không khiếu nại chuyện thu chi nữa, mong muốn UBND Q.5 chỉ đạo BQL chợ tập trung sửa chữa và lắp hệ thống lạnh song song để kịp phục vụ kinh doanh mùa hè. Bà Mã Thái Lan, kinh doanh tại chợ hơn 40 năm, đại diện tiểu thương nêu: “Bây giờ làm ăn cạnh tranh từng ngày một, chậm ngày nào, mất khách ngày đó và lâu dần người mua quên luôn cả chợ vì ấn tượng cái chợ An Đông đó nóng nực, chật chội, bẩn lắm. Đã có sẵn tiền tiểu thương đóng mấy năm nay đó, nhu cầu lại đang bức bách, chúng ta kéo dài thời gian lắp máy lạnh đến cuối năm để làm gì?”.
Bình luận (0)