Ban Quản lý dự án Đường sắt nói về thẻ lên tàu song ngữ Việt -Trung

Thái Sơn
Thái Sơn
12/08/2018 18:14 GMT+7

Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình Tổng thầu Trung Quốc .

Sau khi trên mạng xã hội ngày 11.8 xuất hiện nhiều thông tin phản ánh về việc người dân tham gia đi tàu điện chạy thử tuyến Cát Linh - Hà Đông, với việc các tấm thẻ lên tàu được in bằng 2 thứ ngôn ngữ Trung Quốc và Việt Nam, hôm nay (12.8), Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã thông tin về sự việc trên.
Theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu dự án, là nhà thầu Trung Quốc, đã báo cáo sự việc như sau: sáng 11.8, Tổng thầu tổ chức hoạt động công đoàn tại trụ sở để phát động thi đua. Để động viên tinh thần cán bộ công nhân viên, Tổng thầu Trung Quốc đã tự ý mời cán bộ công nhân viên và người thân cùng tham gia đi trên tàu.
“Nhằm kiểm soát người lên tàu cho đối tượng trên, Tổng thầu đã dùng Thẻ lên tàu, thẻ này chỉ dùng cho mục đích trên và chỉ có giá trị trong ngày 11.8.2018”, phía Tổng thầu Trung Quốc lý giải.
Để tránh không xảy ra sự việc tương tự, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình Tổng thầu Trung Quốc và có văn bản yêu cầu Tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt. Các công việc triển khai không theo kế hoạch, Tổng thầu phải báo cáo và phải được Ban Quản lý dự án Đường sắt chấp thuận trước khi thực hiện.
Việc sử dụng, phát hành tài liệu, thông tin liên quan đến dự án phải thực hiện theo đúng điều kiện hợp đồng. Tại cuộc họp, Tổng thầu đã nhận trách nhiệm về sự việc nêu trên và cam kết không tái diễn.
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435 mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/giờ, tốc độ khai thác bình quân 35 km/giờ.
Dự án khởi công từ tháng 10.2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD).
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016, nhưng sau đó bị chậm tiến độ, liên tục phải điều chỉnh, dự kiến trong tháng 8 này, dự án sẽ đi vào vận hành chạy thử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.