Qua trao đổi với ông Huỳnh Tiết - phó chủ tịch thường trực RIAV, chúng tôi ghi nhận được thiện ý của đơn vị này trong việc cố gắng thực thi Luật sở hữu trí tuệ nhưng vẫn bảo đảm hoạt động cho các website âm nhạc.
Cụ thể, bên cạnh mức thu phí tác quyền ghi âm 1 triệu đồng/bài, RIAV đưa ra thêm hai mức thu khác để các site nhạc lựa chọn gồm: thanh toán phí tác quyền với mức 25% tổng doanh thu từ quảng cáo của các site sau khi trừ chi phí hoạt động, hoặc trả phí trên từng lượt download. Tuy nhiên khi tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin cũng như đối chiếu với thực tiễn hoạt động của các website âm nhạc trực tuyến, có thể thấy bài tính thu phí bản quyền của RIAV chưa ổn thỏa.
600 tỉ hay 0 đồng?
Thực tế cho thấy, khó có một website nào có thể chấp nhận cách tính phí 1 triệu đồng/bài/website/năm. Theo ông Vương Quang Khải - giám đốc phụ trách sản phẩm web của VinaGames và ông Diệp Khắc Dân - trưởng phòng đối ngoại công ty 24h, hai đơn vị đã ký hợp đồng trả phí cho RIAV, thì cả hai đơn vị đều chọn cách thanh toán ở mức 25% tổng doanh thu quảng cáo sau khi trừ chi phí quản lý, vận hành site. |
600 hay 6.000 tỉ đồng có thể không phải là vấn đề nếu nó thuyết phục. Vấn đề là dựa trên căn cứ nào để RIAV đưa ra mức phí tác quyền 1 triệu đồng? Ông Tiết giải thích: "Cơ sở để RIAV đưa ra con số 1 triệu đồng là dựa vào nghiên cứu của các trung tâm băng đĩa nhạc. Theo đó, chi phí đầu tư ban đầu cho một sản phẩm băng đĩa sẽ gồm nhiều phần, trong đó chi phí trả cho ca sĩ là một khoản lớn, ví dụ ca sĩ ngôi sao hạng A có mức thù lao trung bình 15 triệu đồng cho một lần thu/bài; ca sĩ hạng B, C cũng phải 2-3 triệu.
Từ các khoản chi phí đầu tư đó, chúng tôi tính ra với mỗi ca khúc tải trên mạng thì đơn vị sử dụng phải trả mức phí là 83.000 đồng/tháng, tương đương với 1 triệu đồng/năm". Trả lời báo chí quanh con số 1 triệu đồng, ông Phạm Long Minh, chánh văn phòng RIAV, cho biết RIAV đã "khảo sát và tham khảo giá của các quốc gia láng giềng". Có thể nói chỉ dựa trên mức phí đầu tư ban đầu và tham khảo các quốc gia khác, RIAV đã đơn phương đưa ra con số và thông qua Thanh tra Bộ VH-TT-DL áp đặt lên một giao dịch dân sự - loại giao dịch phải dựa trên cơ sở thỏa thuận.
Cách thanh toán phí tác quyền với mức 25% tổng doanh thu từ quảng cáo... cũng là một phương án bất cập đối với cả nhiều bên trong câu chuyện tác quyền. Trả lời cho câu hỏi RIAV có thu phí những tác phẩm do người sử dụng website tự đưa lên (mục "Thành viên hát" trên các site nhạc online) hoặc sản phẩm âm nhạc do tác giả, ca sĩ tự đầu tư, không do các hãng băng đĩa thuộc RIAV thực hiện, ông Tiết khẳng định hiệp hội sẽ không thu phí đối với các tác phẩm, sản phẩm này. RIAV tuyên bố không thu, nhưng đó lại chính là những tác phẩm chiếm đại đa số trên các site nhạc online, góp phần tạo nên lợi nhuận từ quảng cáo. Khi thu 25% tổng chi phí quảng cáo, RIAV mặc nhiên đã thu số lợi nhuận mà các sản phẩm này tạo ra. Điều này có hợp lý?
Ở cách thu thứ ba - trả phí trên từng lượt download, nếu được chọn, RIAV sẽ không thể thu được phí tác quyền bởi 100% website nhạc online hiện nay đều không thu phí nghe hoặc download nhạc.
Thách thức cho RIAV
Quản trị một website âm nhạc khá đình đám trong giới trẻ (xin được giấu tên) nói: "Có người xưng là đại diện RIAV đến làm việc với tôi về chuyện thu phí tác quyền trên tinh thần là chúng tôi... nhắm sức đóng được bao nhiêu thì đóng".
Ông Huỳnh Tiết cũng cho biết hiện RIAV không thu phí các website nhạc do cá nhân lập nên không vì mục đích kinh doanh, quảng cáo. Tuy nhiên ông cũng khuyến nghị các site này "chỉ nên cho người sử dụng nghe dưới dạng demo (bản nghe thử) chứ không nên cho nghe, download nhạc chất lượng cao".
Với số lượng hàng ngàn trang web nhạc, mỗi trang web có tối thiểu 2.000 tác phẩm, các doanh nghiệp sẽ vừa phải cạnh tranh với các site nhạc bất hợp pháp vừa phải è cổ trả tiền. Điều này cũng là một thách thức cho RIAV trong quyết tâm thực thi Luật sở hữu trí tuệ cũng như bảo vệ quyền lợi cho hội viên mới.
Xoay quanh việc bảo vệ bản quyền tác phẩm ghi âm, việc RIAV thu phí tác quyền là hoàn toàn hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên - các hãng băng đĩa. Nhưng làm như thế nào để mọi bên đều cảm thấy thỏa đáng là điều tất cả mọi người đang chờ đợi ở RIAV. Nếu với mỗi đơn vị, RIAV lại có một thỏa thuận khác, tương ứng là mức chi trả khác cũng dễ khiến những đơn vị còn lại không tâm phục.
Và một điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng sẽ là một bất cập lớn: vì sao các hãng đĩa chỉ chi trả phí tác quyền ghi âm cho nghệ sĩ một lần nhưng lại thu phí tác quyền nhiều lần từ người sử dụng mà không tiếp tục chi trả cho nghệ sĩ, lại xem đó là lợi nhuận của mình?
Phạm Thành Nhân/Tuổi Trẻ
Bình luận (0)