Trên thế giới, từ lâu bản quyền truyền hình các giải bóng đá vẫn là nguồn lợi thiết thực mang đến cho các CLB và BTC giải một khoản kinh phí dồi dào, liên tục, đủ bù đắp phần nào chi phí đầu tư cho bóng đá.
Người hâm mộ không hề ngạc nhiên khi thời gian vừa qua, chuyện bản quyền truyền hình (BQTH) trở nên ồn ào bởi Công ty tổ chức giải đấu (VPF) khi ra đời muốn tồn tại và phát triển như các giải Ngoại hạng Anh, Ý, Tây Ban Nha hay Nhật Bản... thì việc đầu tiên là phải nắm được BQTH, đó chính là một trong những nguồn thu quan trọng.
VPF dù trực tiếp quản lý điều hành giải đấu Super League, hạng nhất, Cúp Quốc gia... nhưng hết sức thất vọng, thậm chí không chấp nhận với việc LĐBĐ VN (VFF) trước đó ký hợp đồng kỳ lạ đến 20 năm với AVG. Trên thực tế, không một tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế hay doanh nghiệp nào lại “tự trói” mình với một hợp đồng dài hạn như vậy, nhất là khi VFF, nhiệm kỳ tồn tại của bộ máy khóa VI chỉ có 5 năm, đâu thể tự cho mình quyền làm thay cho bộ máy sau được. Hơn nữa, với một hợp đồng trị giá 6 tỉ đồng/năm trong cặp mắt nhỏ bé của VFF là chấp nhận được nhưng lại không tương xứng chút nào với mong muốn của các CLB cũng như khát vọng vươn lên của làng bóng. Thêm vào đó, sự cứng nhắc của AVG trong việc yêu cầu các đài truyền hình hoặc phải nhận chương trình do họ tự sản xuất, hoặc phải chạy logo, quảng cáo do họ đưa ra khiến VTV, VTC và một số đài truyền hình có kênh quảng bá mạnh khác trở nên thụ động, không mấy mặn mà, thậm chí gặp khó khăn trong việc đưa hình ảnh của giải đấu đến công chúng. Đã vậy, VFF còn đổ dầu vào lửa khi công khai chỉ trích VPF, bảo vệ AVG khiến người hâm mộ càng thêm mất niềm tin, các nhà tài trợ phật lòng.
Chính vì vậy, công văn thể hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như một luồng gió mát “cởi trói” cho các đài truyền hình, cho phép họ được vào sân trực tiếp liên tục, rộng rãi trong cả nước đối với hệ thống giải đấu Super League, hạng nhất và Cúp Quốc gia mà không còn phụ thuộc vào AVG. Dư luận đón nhận tín hiệu này một cách phấn khởi vì trước hết nó chính thức chấm dứt những tranh cãi thời gian qua giữa liên minh VFF - AVG với VPF; thứ hai, các trận đấu Super League sẽ đến nhiều hơn với người hâm mộ, đáp ứng đúng nhu cầu đam mê và được hưởng thụ những giá trị tinh thần của người xem truyền hình. Ngoài ra, trong điều kiện mặt bằng bóng đá VN còn thấp, các CLB cần được quảng bá thương hiệu của họ nhiều hơn thì tinh thần chỉ đạo này của Thủ tướng giúp đưa hình ảnh các đội bóng Super League vươn xa hơn.
Dĩ nhiên đó là những động thái tích cực trước mắt, còn dần dần khi bóng đá VN đã xác lập vị thế và mạnh lên trong mắt người hâm mộ thì thưởng thức các trận đấu qua màn ảnh truyền hình phải trả tiền là chuyện đương nhiên, cũng giống như Premier League. Bởi bóng đá chuyên nghiệp là phải lấy bóng đá nuôi bóng đá. Các CLB có lớn mạnh hay không, có nâng cấp chất lượng hay không, có đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người hâm mộ hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu để tái đầu tư, mà BQTH có giá trị cao sẽ rất có ý nghĩa. Chính vì vậy, khi VPF tập trung những chiến lược gia kinh tế mê bóng đá hàng đầu của đất nước thì họ đã tìm cách nâng cấp BQTH. Một bản hợp đồng trong tương lai mà VPF sẽ ký với VTV lên đến hơn 74 tỉ đồng trong 3 năm là điều đáng mơ ước cho bóng đá VN. Đó sẽ là lực đẩy buộc các yếu tố cấu thành trận đấu sẽ phải đồng loạt thay đổi. VPF sẽ phải cải tổ triệt để công tác tổ chức, điều hành sao cho ngày càng sạch sẽ, chất lượng và hào hứng hơn. Còn VTV và các đài khác cũng sẽ phải cải tiến chất lượng kỹ thuật, chất lượng hình ảnh và đội ngũ bình luận viên để xứng đáng với mong đợi của người xem cả nước.
AVG mất thế Đang ở thế “thượng phong” vì là đối tác chính của VFF, chỉ sau một ngày, Công ty viễn thông và truyền thông An Viên (AVG) “bỗng nhiên” rơi vào hoàn cảnh yếu thế so với VPF. Hôm qua, VPF đã có công văn gửi BTC các giải đấu chuyên nghiệp và các đài truyền hình để đưa ra một số nguyên tắc cho việc tác nghiệp. Theo đó, VPF giao - cho Tổng giám đốc VPF, BTC kiểm tra việc cấp và sử dụng thẻ tác nghiệp, áo BIB nhằm đảm bảo chỉ phóng viên, nhân viên các cơ quan báo chí được cấp thẻ và cấp áo để tác nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch VPF, nếu truyền hình AVG chứng minh được là cơ quan báo chí thì sẽ được phép vào sân (theo lịch, hôm nay 14.1, AVG sẽ phát sóng trận đấu giữa Hà Nội FC gặp CLB Khánh Hòa). Được biết, hiện tại truyền hình AVG vẫn chưa được công nhận là một cơ quan báo chí. Vậy chiều nay, liệu có xảy ra cuộc “đụng độ” giữa VPF, BTC sân Hà Nội và AVG? L.P |
Quang Tuyến
Bình luận (0)