Bản quyền truyền hình tại Việt Nam: Người nhà xâu xé nhau

09/04/2014 11:50 GMT+7

(TNO) Vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2014 đang trở thành đề tài nóng trong xã hội và dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao giá bản quyền các giải đấu quốc tế tại Việt Nam (VN) lại luôn đắt đỏ đến như vậy.

(TNO) Vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2014 đang trở thành đề tài nóng trong xã hội và dư luận có quyền đặt câu hỏi tại sao giá bản quyền các giải đấu quốc tế tại Việt Nam (VN) lại luôn đắt đỏ đến như vậy.

Tranh giành thị phần

Khái niệm “sở hữu độc quyền” bản quyền truyền hình khá xa lạ ở VN khoảng 12 năm về trước. Hầu hết các giải đấu lớn của thế giới và khu vực như giải bóng đá World Cup, giải bóng đá vô địch châu Âu Euro, giải Ngoại hạng Anh hay AFF Cup, SEA Games đều được phát sóng miễn phí ở VN, hay nói chính xác là trên đài truyền hình VN - đài quảng bá lớn nhất nước ta.

Và cũng khoảng 12 năm về trước, càng không có khái niệm khán giả phải bỏ tiền để xem bóng đá trên ti vi. Với năng lực phủ sóng diện rộng trên toàn quốc, VTV là đài duy nhất được các công ty, các đài truyền hình ở nước ngoài chọn làm đối tác để bán bản quyền truyền hình.

Sau vài năm cộng tác với công ty Dunhill để được phát giải Ngoại hạng Anh theo hình thứ phát chậm, bắt đầu từ mùa 2002 đến hết mùa 2007, VTV đã mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh với giá khoảng 800.000 USD (từ 2002 - 2004) và sau đó 2 triệu USD (từ 2004 - 2007).

Sự việc bắt đầu phức tạp khi ở VN bắt đầu xuất hiện truyền hình trả tiền. Và dĩ nhiên, trong sự phát triển như vũ bão của các dịch vụ truyền hình, các đài truyền hình tại VN bắt đầu lao vào những cuộc chiến khốc liệt để giành giật khán giả và để không bị đánh mất thị phần. 

"Hiện tượng" VTC

Đài truyền hình kỹ thuật số VTC chính là một trong số ít các đài đầu tiên đưa ra “chiêu” riêng với tham vọng chiếm lĩnh thị trường. Cách đây gần một thập niên, VTC đã nổi lên như một hiện tượng trong hệ thống truyền hình trả tiền ở VN.

 
Các nhà đài Việt Nam luôn có sự cạnh tranh ngầm - Ảnh: Minh Tú

Sự giàu có và mạnh chi đã khiến đài này được mệnh danh như một “đại gia”, thậm chí đã có thời điểm còn đánh bại cả VTV khi sở hữu được một số giải đấu hấp dẫn bậc nhất thế giới. 

Các bài liên quan

>> Bản quyền truyền hình tại Việt Nam: Mạnh ai nấy mua
>> Chợ bản quyền truyền hình và tư duy mua - bán
>> Choáng với giá thực của bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014 thành món hàng ế
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014 vẫn... ế
>> Bản quyền truyền hình ASIAD giá 'cắt cổ
>> Vật lộn với bản quyền truyền hình World Cup 2014
>> Nhiều đài phản ứng vụ bản quyền truyền hình World Cup 2014

Chính VTC đã trở thành đài đầu tiên mua độc quyền bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong 3 mùa bóng liên tiếp 2007-2009. Điều đáng nói là VTC chỉ đồng ý chia sẻ cho các đài địa phương, chứ nhất định không chịu trao cho “đối thủ” VTV quyền tiếp sóng trực tiếp. 

Cuộc chiến bản quyền ở VN, phải chăng, khởi nguồn từ chính sự muốn “chơi trội” của VTC vào năm 2007. Nên lưu ý là để giành chiến thắng áp đảo VTV, số tiền mà VTC bỏ ra vào năm đó lên đến 4 triệu USD.

Điều đáng nói là cuộc chiến này không chỉ gói gọn ở bản quyền giải Ngoại hạng Anh mà “lan rộng” sang bản quyền World Cup mà sau này chính VTC lại là “nạn nhân” của sự độc quyền do mình khởi xướng này.  

Gậy ông đập lưng ông

Những năm gần đây, VTC không còn mạnh được như trước, trong khi “ngửi” được sự hấp dẫn của thị trường ở VN, các đơn vị sở hữu bản quyền giải ngoại hạng Anh bắt đầu “chiến dịch” thổi giá.

Nếu như năm 2007, VTC đã đánh bật VTV để sở hữu độc quyền bản quyền Ngoại hạng Anh thì năm 2009 họ lại bị “đứa con” của VTV là K+ đánh bật trở lại. 

K+ đã đầu tư một khoản rất khủng lên đến 8,5 triệu USD và sở hữu trọn vẹn gói Super Sunday trong 3 mùa liên tiếp từ mùa 2010 đến năm 2012. VTC lúc ấy đã khóc ròng vì K+ đã sử dụng đúng “chiêu” của VTC khi trước là không đồng ý cho VTC tiếp sóng trực tiếp. 

Năm ngoái, một lần nữa, K+ lại hạ “knock out” các đài khác và mua từ công ty IMG (Mỹ) bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh với cái giá còn khủng khiếp hơn nhiều: 33,5 triệu USD! 

Con số này gây choáng váng trong xã hội VN và dù các đối thủ, trong đó có VTC đã “đệ đơn kiện” lên Bộ thông tin Truyền thông, thậm chí lên cả Văn phòng Chính phủ nhưng đã thành “con kiến mà kiện củ khoai” mất rồi.

Trung Ninh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.