TNO

Bạn sẽ không bao giờ trở nên mạnh mẽ nếu không... đi

17/09/2014 17:00 GMT+7

(iHay) Lý do kéo tôi lao vào các hành trình đơn giản là khung hình thay đổi khi các con đường lướt qua.

(iHay) Bạn không thấy thế giới không chỉ là một cái quả cầu hữu hạn mà cô giáo từng chỉ lên và nói: 'Con người đã khám phá hết mọi ngóc ngách thế giới rồi'. Chỉ còn một ngóc ngách cuối cùng, đó là trái tim - nơi mỗi người phải tự lớn lên và khám phá suốt một hành trình dài.

>> Đi phượt và nỗi lo bị đồng bào 'đuổi thẳng cổ

Tôi tìm thấy mình trong những chuyến đi. Cảm giác đó không thay thế được bởi mọi thứ khác. Cái lý do cơ bản kéo tôi lao vào các hành trình chỉ đơn giản là khung hình trong đôi mắt mình thay đổi khi các con đường lướt qua.

Tại sao con người phải đi nhỉ? Tại sao người ta phải bày ra các tour du lịch, các hành trình chinh phục, các sách hướng dẫn... để chỉ vẽ cho hết người này đến người khác lên đường?

Thật lạ lùng, đàn chim bay đi tránh rét rồi lại phải bay về nơi cũ. Chỉ có con người, khi ở một chỗ từ năm này sang năm khác, bỗng nhiên sẽ trở thành cũ mèm y như món đồ chất trên kệ trang trí lâu đến mòn mỏi. Hãy nhìn vào những con người ở một chỗ, đôi khi cuộc đời của họ ngừng lại, và họ chất chồng các ham muốn, tham vọng, ước mơ, và tất tần tật mọi thứ lên vai những đứa con của họ. Sự ở yên một chỗ đóng đinh họ vào sự tù hãm tinh thần.
 
Người ta đi, để nhìn thấy thế giới, với cái ăn cái ở khác nhà mình. Người ta tìm thấy những cung đường, không có hàng cây bạch đàn giống ở nhà, mà lại là một bờ liễu cạnh hồ. Người ta tìm thấy những đứa trẻ hiện đại đeo headphone đến trường, hoặc đám trẻ nghèo khổ trên núi cao trần truồng trong giá lạnh.

Đẹp hay xấu, hay hay dở, thì mọi thứ được gom vào tầm mắt đều làm người đi hiểu thêm về mình - như thể có thêm một tấm gương soi để kẻ ấy tự nhìn nhận bản thân.

 

Cái đi không còn là hoạt động hướng ngoại nữa, nó là hành trình khám phá cái tôi của người đi. Cái đi đẩy người ta rời khỏi nơi sinh sống quen thuộc, gỡ bỏ những vỏ bọc quan hệ, các “ổ cắm” đã giam hãm những tính cách tự nhiên của họ vì chuyện làm ăn, tiền bạc, lễ nghĩa, truyền thống... Người ta được tự do hơn để nhìn nhận những gì mình mong muốn, tự do để... liều lĩnh thực hiện những điều mình mong muốn hơn.

Khi đi, não sẽ tiếp tục học nhưng kinh nghiệm mới và so sánh với những bài học cũ của cuộc sống ở nhà. Điều đó rất quan trọng, nó định hình thái độ của người trẻ với cuộc sống bình thường của họ: yêu hay ghét, trân trọng hay thờ ơ, bi quan hay đơn giản là vững vàng cải tạo mọi thứ. Các hành trình thường làm người ta lạc quan và vững tin hơn vào các chọn lựa của mình.

Con đường làm đôi mắt nhìn thấy xa hơn và bàn chân dũng cảm hơn để đi tiếp. Điều đó giống với hành trình trở thành một con đại bàng, mắt tinh anh và cánh sải rộng.

Có cả đám người lúc nào cũng ra rả nói về các nguy hiểm trên đường đi. Ngay cả khi bạn sống trong cái thành phố quen thuộc của bạn thì nguy hiểm cũng có thể đến bất cứ lúc nào. Hàng ngày vẫn có nhiều người của thành phố này chết vì tai nạn, và họ chẳng đi đâu xa quá 100 km khỏi thành phố cả. Việc đi không tạo ra nguy hiểm. Vì bản thân cuộc sống chẳng có gì an toàn cả. Tại sao con người lại đi tìm một chỗ trú an toàn nhỉ? Sao không chui vào hang, trốn vào giếng để an toàn, và khôn ngoan một cách dại khờ theo kiểu của con ếch.
 
Chuẩn bị một chuyến đi kỹ lưỡng, tìm hiểu thật nhiều thông tin, cố gắng tránh rủi ro, đó là tất cả những kĩ năng một người đi sử dụng cho hành trình của mình. Rồi thì họ cũng sẽ được dịp thực hành trong đời họ, bằng phương cách chủ động và bản lĩnh của một kẻ có sẵn kinh nghiệm. Các con đường làm người đi trưởng thành.

Và tất nhiên, các con đường thường quá nhiều vui vẻ, chẳng có gì có thể tệ hơn đâu. Tin tôi đi.

Thế giới, về cơ bản, là tuyệt diệu!

Khải Đơn
Ảnh minh họa: Ngô Huy Hòa

>> Kinh nghiệm phượt Mù Cang Chải mùa nước đổ
>> Bí kíp phượt biển mùa nắng nóng
>> Blog yêu: Yêu gái 'phượt', tại sao không?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.