Bạn sẽ làm gì hôm nay để nhận được lời cảm ơn từ chính mình?

17/10/2024 19:30 GMT+7

Sự kiện triển lãm từ ngày 18 - 20.10 sắp tới tại TP.HCM sẽ giúp trả lời phần nào cho câu hỏi đó khi vén bức màn bí ẩn của một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại và giúp người tham dự thấy rõ cần hành động ra sao để hướng đến tương lai viên mãn.

Những ngày gần đây, nhiều người đã chia sẻ và bàn luận về một đoạn clip có hình ảnh đẹp cùng phần nội dung gợi nhiều tò mò. Trong đó, chúng ta thấy những lá thư bay trên bầu trời vẽ nên những vệt sáng màu xanh nhạt lướt qua những công trình kiến trúc biểu tượng của TP.Hồ Chí Minh. Với hiệu ứng CGI ấn tượng, từng bức thư đáp xuống và trao tay những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi, mang theo thông điệp cảm ơn được gửi tới từ chính họ ở tương lai.

Bạn sẽ làm gì hôm nay để nhận được lời cảm ơn từ chính mình?- Ảnh 1.

Bức thư gây chú ý của cộng đồng mạng thời gian gần đây

Điều này đặt ra câu hỏi, nếu gặp bản thân mình của tương lai, bạn sẽ nhận được lời cảm ơn cho điều gì mà bạn đã làm tại thời điểm này? Câu trả lời có thể khác nhau với từng người, nhưng hầu như tất cả sẽ đồng tình rằng sức khỏe chính là vốn quý nhất cho mai sau. Một hành động nhỏ quan tâm đến sức khỏe bản thân lúc này có thể đem tới cho bạn cảm giác an yên và hạnh phúc trọn vẹn ở tương lai.

Một trong những mối đe dọa sức khỏe cần được quan tâm ngày nay chính là HPV. Đây là loại vi rút gây u nhú ở người (Human Papilloma virus) bao gồm hơn 200 típ nhưng đa số thuộc nhóm nguy cơ thấp. Tuy nhiên vẫn tồn tại những típ thuộc nhóm nguy cơ cao có khả năng dẫn đến biến chứng nguy hiểm, trong đó típ 16 và 18 đã được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến hơn 70% số ca ung thư cổ tử cung xâm lấn . Theo nghiên cứu, HPV có liên quan đến hơn 926.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, bộ phận sinh dục, hậu môn, hầu họng ở cả nam và nữ trên toàn cầu

Số liệu của Trung tâm thông tin về HPV trực thuộc WHO đưa ra trong báo cáo về HPV và các bệnh lý liên quan tại Việt Nam năm 2023 cho thấy, mỗi năm có khoảng trên 4.000 ca ung thư cổ tử cung mới được chẩn đoán và khoảng hơn 2.000 phụ nữ tử vong vì bệnh này. Nhưng theo khảo sát được Tổng cục Thống kê kết hợp với UNICEF thực hiện từ 2020-2021, chỉ hơn 28% phụ nữ từ 30-49 tuổi đã được khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, và chỉ chưa đến 10% phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 15-29 ở nước ta đã được chủ động dự phòng HPV. Trong khi đó, nguồn lây nhiễm chủ yếu của vi rút này là thông qua quan hệ tình dục, dẫn đến nguy cơ cao mắc HPV đối với cả nam giới nếu thiếu ý thức phòng ngừa.

Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phổ biến thông tin khoa học về HPV và những bệnh lý do vi rút này gây ra đến người dân. Bên cạnh nỗ lực từ Bộ Y tế và các Bộ ban ngành, vẫn cần thêm sự chung tay của xã hội nhằm mang thông điệp tới được nhiều người hơn. Một ví dụ điển hình chính là sự vào cuộc của MSD tại Việt Nam với tư cách một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăm lo sức khỏe. Kết hợp cùng Hội Y học dự phòng Việt Nam (VAPM), MSD đã có nhiều hoạt động sáng tạo, độc đáo về HPV, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Bạn sẽ làm gì hôm nay để nhận được lời cảm ơn từ chính mình?- Ảnh 2.

Buổi triển lãm tiên phong về chủ đề HPV tại Việt Nam được háo hức mong chờ"

MSD và VAPM cũng nhận thấy cần thêm những cách thức truyền tải thông tin đa dạng để có thể mở rộng tới nhiều đối tượng hơn nữa. Từ nhu cầu đó, một triển lãm đa phương tiện về chủ đề HPV sẽ được tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, từ ngày 18 - 20.10.2024. Triển lãm được mang tên Thương mình ở tương lai - Love your future self, hứa hẹn sẽ là một ngày hội thông tin bổ ích giúp người dân nâng cao nhận thức và tăng cường kiến thức về phòng vệ HPV và các bệnh liên quan.

Với ý tưởng về một "Cánh cổng thời gian", triển lãm sẽ đưa người tham dự vào một hành trình khám phá tương lai và những vấn đề sức khỏe cá nhân liên quan đến HPV. Khuôn viên rộng 600m² của triển lãm được chia thành 5 khu vực, áp dụng đồng thời cả công nghệ AI hiện đại và nghệ thuật tạo hình ấn tượng để thông tin được truyền tải một cách trực quan, sinh động. Đặc biệt sẽ không có yêu cầu "Cấm sờ vào hiện vật", mà khách tham quan còn được khuyến khích "tăng tương tác" với các thành phần trong mỗi khu vực để có được trải nghiệm hoàn chỉnh.

Bạn sẽ làm gì hôm nay để nhận được lời cảm ơn từ chính mình?- Ảnh 3.

"Cánh cổng tương lai" hứa hẹn mở ra hành trình khám phá đầy lý thú cho khách tham quan

Từ cổng vào, người tham dự sẽ di chuyển đến khu vực triển lãm thấu cảm về HPV "Thân khỏe", "Trí sáng" và "Tâm an" để tiếp cận thông tin cập nhật và chính xác nhất về HPV dành cho mọi lứa tuổi. Triển lãm nghệ thuật "Kháng Thương" là cơ hội để đọc những câu chuyện người thật việc thật về HPV và đồng cảm với những gì mà người bệnh trải qua. Khu vực "Gặp mình ở tương lai" là điểm nhấn của triển lãm, sử dụng công nghệ AI để giúp mọi người có cái nhìn chân thực về những ảnh hưởng tiêu cực của HPV cũng như những kết quả tích cực nếu chủ động phòng ngừa cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, khách tham quan còn có thể tương tác với Đại sứ AI Minah - Cộng đồng phòng vệ HPV và được giải đáp mọi thắc mắc về HPV.

Không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin, triển lãm Thương mình ở tương lai còn tạo ra không gian hoàn hảo để mọi người có thể trao đổi về kiến thức, kinh nghiệm và cùng xây dựng cộng đồng chung tay đẩy lùi HPV, góp phần bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà cũng như toàn xã hội. Quan trọng nhất, hãy chủ động tham vấn chuyên gia y tế để được hướng dẫn chính xác nhất khi có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe.

Sự kiện được tài trợ bởi MSD vì mục đích giáo dục và được đồng hành chuyên môn bởi Hội Y học dự phòng Việt Nam. VN-GSL-01255 12102026

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.