Nghe như phim hoặc truyện khoa học viễn tưởng, như thật sự kính viễn vọng Chandra tia X đã chụp được hình ảnh rùng rợn trên, theo trang Space.com hôm 25.6.
Theo phân tích, hình ảnh bàn tay được tạo thành sau cái chết của một ngôi sao khổng lồ, gọi là vụ nổ siêu tân tinh, chỉ còn sót lại tàn tích gọi là sao xung.
Trong lúc xoay tít, sao xung tạo ra một quầng các hạt năng lượng bao phủ chính nó. Khi kết hợp với những mảnh vụn còn sót lại sau vụ nổ, cấu trúc giống như hình bàn tay xuất hiện, trải dài 150 năm ánh sáng.
Dựa trên hình ảnh thu được, “bàn tay” đang vươn đến đám mây khí khổng lồ có tên RCW 89.
Tàn tích vụ nổ siêu tân tinh ở trung tâm vụ nổ, gọi là MSH 15-52, cách Trái đất khoảng 17.000 năm ánh sáng. Các nhà thiên văn học NASA cho rằng ánh sáng đã truyền đến Trái đất cách đây 1.700 năm, có nghĩa nó là một trong những vụ nổ siêu tân tinh xảy ra gần đây nhất ở Dải Ngân hà.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, sóng xung kích của vụ nổ lan truyền trong không gian với tốc độ khủng khiếp, đạt 14,5 triệu km/giờ nếu tính từ đầu ngón tay và 17,7 triệu km/giờ nếu tính từ lòng bàn tay.
Bình luận (0)