Bản Tham Còn tiêu điều sau lũ dữ

Vũ Hân
Vũ Hân
01/07/2018 06:58 GMT+7

Cả một đời cui cút làm ăn, ông Hoàng Văn Giàu - người đàn ông dân tộc Dao ngoại ngũ tuần tóc đã bạc trắng, phải chứng kiến toàn bộ tâm huyết đời mình bị cuốn sạch bách chỉ sau một cơn lũ dữ .

Đây là trận tai ương khủng khiếp nhất đến với người dân bản Tham Còn (xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) trong hàng chục năm qua. Chỉ sau một buổi sáng, làng bản trù phú trở nên tang tóc, tiêu điều.
Nơi vốn là bãi cọ thơ mộng nằm bên con suối hiền hòa nay đã thành một bãi khổng lồ, ngổn ngang đất đá. Những tảng đá hàng tấn này cùng với nước lũ đã cuốn phăng 2 ngôi nhà, 2 mạng người và nhiều tài sản, hoa màu của người dân Tham Còn.
Cây cầu bê tông kiên cố bắc qua suối – ước mơ hàng chục năm của người Dao nơi đây, nay bị lũ ngoạm toang hoác đến tận chân núi đá, nhắc nhở về sự tàn phá khủng khiếp khi thiên nhiên nổi giận.
Thẫn thờ bên đống đổ nát từng là cơ ngơi mang tâm huyết cả đời mình, ông Hoàng Văn Giàu vẫn chưa hiểu được vì sao thiên nhiên giận dữ với người Dao đến vậy?
Đã ngoại ngũ tuần, ông Hoàng Văn Giàu (bên trái) và ông Trương Văn Lý phải bắt đầu lại từ 2 bàn tay trắng sau khi toàn bộ tài sản bị lũ cuốn trôi Ngọc Thắng
Ngồi bên cạnh ông là ông Trương Văn Lý, người cũng mất sạch gia sản sau buổi sáng 26.6, nét mặt không giấu nổi vẻ bàng hoàng. Chỉ với 1 bên mắt còn sáng và đôi tay đã run run vì tuổi tác, ông không nghĩ mình còn sức lực để bắt đầu.
Sự tiêu điều của Tham Còn hiển hiện trong chiếc nồi cám lợn vẹo vọ sót lại bên bờ mương, chiếc xe máy chỉ còn lại bộ khung lấm lem bùn đất dựng bên bờ dậu; và những bắp ngô được hong trên nền đất còn ướt nhẹp. Gần như toàn bộ ruộng nương, hoa màu của người dân đã bị bùn đất vùi lấp.
Đồng ruộng không còn canh tác được, ngay cả nền nhà cũ cũng biến mất chỉ trong tích tắc, ông Giàu chính thức phải bắt đầu lại từ 2 bàn tay ở tuổi ngoại ngũ tuần, sức khỏe không còn bao nhiêu nữa.
Nhưng với ông, thế vẫn là may.
Đường vào bản còn rất khó khăn Ngọc Thắng
Điều này được ông thấm thía sau khi chứng kiến cái chết của anh Trương Văn Luyện, mới 27 tuổi, người bị lũ cuốn trôi khi cố quay lại hàng tạp hóa của ông để lấy cho con nhỏ gói kẹo.
Buổi sáng định mệnh đó, hai cha con anh Luyện chạy lũ từ trên cao xuống, đã trú vào một ngôi nhà an toàn, nhưng chỉ trong tích tắc thương con nhỏ đang khóc vì đói, anh Luyện đã bị lũ cướp đi mạng sống.
Anh ra đi để lại người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ trứng gà trứng vịt, đứa hơn 2 tuổi, đứa mới 5 tuổi.
Vốn gốc ở thị trấn Vị Xuyên, anh Luyện chọn bản Tham Còn xanh tươi làm nơi sinh sống sau khi kết hôn và ở rể theo truyền thống của người Dao.
Khi đoàn công tác của báo Thanh Niên đến hỗ trợ những gia đình gặp nạn, mẹ vợ anh Luyện nghẹn ngào chỉ đôi dép tổ ong còn mới tinh, kể chuyện anh ôm con chạy lũ không kịp mang theo dép.
Bản Tham Còn không có điện lưới, toàn bộ máy phát điện nước đã bị cuốn sạch theo lũ, căn nhà mẹ vợ anh Luyện lạnh tanh và tăm tối.
Không biết đến bao giờ căn nhà vắng bóng đàn ông này mới có thể ấm áp trở lại.
Ngoài anh Luyện, một người dân khác ở thị trấn Vị Xuyên cũng bị lũ cuốn trôi trên địa bàn xã Cao Bồ khi vào đây bán hàng xén.
Người Dao Tham Còn bắt đầu gượng dậy từ đống đổ nát Ngọc Thắng
Phó bí thư Đảng ủy xã Cao Bồ Bản Văn Sáng cho biết: Đến ngày 28.6, tức là tròn 2 ngày sau khi trận lũ xảy ra, chính quyền xã mới tiếp cận được bản Tham Còn. Trước đó, các cấp chính quyền chỉ biết điện thoại kêu gọi người dân tìm nơi an toàn để tránh trú.
Thống kê cho đến hiện tại, ngoài bản Tham Còn, xã Cao Bồ còn nhiều thôn khác bị ảnh hưởng, thiệt hại sơ bộ cũng lên đến 24 tỉ đồng. Các công trình đường sá, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng.
Đoạn đường từ trung tâm xã vào bản Tham Còn, trước kia vốn ô tô đi lại bình thường, nay chỉ những tay lão luyện nhất mới dám đi xe máy qua, vì nhiều đoạn gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Cách trung tâm thành phố Hà Giang chỉ chừng 20 km, nhưng để vào đến Tham Còn phải mất hơn 2 tiếng đi ô tô, "tăng bo" bằng xe máy và cuối cùng là đi bộ. Theo ông Bản Văn Sáng, đến nay xã Cao Bồ vẫn chưa thống kê được chính xác số điểm sạt lở trên địa bàn xã. 
“10 năm trước, Cao Bồ đã bị một trận lũ lớn thế này, người dân đã phải mất 3 năm để gượng dậy. Với trận này, chúng tôi cũng không biết đến bao giờ bà con mới lại có được cuộc sống bình yên như trước đây”, ông Bản Văn Sáng ngậm ngùi.
Trong tiếng sấm ì ùng dọa mưa, người dân Tham Còn vẫn gượng dậy dựng một túp lều, nối lại đường nước bị lũ cuốn, gò lại chiếc nồi cám lợn méo, gạt lại mảnh ruộng đã bị bùn đất vùi lấp... Dù gì đau thương cũng phải gác sang bên, nước mắt cũng phải cạn, cuộc sống lại tiếp diễn.
Bên các sườn đồi, những mảng đất đã ngậm no nước vẫn rình rập sạt xuống, trong khi trời vẫn rả rích mưa suốt tuần vừa rồi, chưa ngày nào dứt...
Báo Thanh Niên và bạn đọc hỗ trợ người dân Hà Giang, Lai Châu sớm ổn định cuộc sống
Ngay sau khi nhận được tin lũ tàn phá một số tỉnh phía Bắc như Lai Châu, Hà Giang; báo Thanh Niên đã cùng với các nhà hảo tâm và bạn đọc gom góp tiền, hiện vật mang lên cứu trợ. Phó tổng biên tập Đặng Thị Phương Thảo đã đích thân mang tấm lòng từ bạn đọc và các nhà hảo tâm đến với người dân Hà Giang. Trước mắt, mỗi hộ gia đình bị lũ cuốn mất nhà và những hộ có người tử vong được bạn đọc Thanh Niên, thông qua báo, tặng 5 triệu đồng cùng một phần quà là các vật dụng cần thiết để bước đầu tái thiết cuộc sống. Hàng trăm hộ gia đình có hoa màu bị thiệt hại được hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng. Theo Phó bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang Đào Quang Diệu, huyện đoàn Vị Xuyên cũng đã huy động hàng trăm lượt đoàn viên tăng cường giúp bà con các bản bị thiệt hai do lũ dọn dẹp lại nhà cửa, ruộng nương để sớm ổn định cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.