Bàn thờ gia tiên: Nơi hội tụ những giá trị thiêng liêng của tết
Tết Nguyên đán với người Việt trước hết là dịp thiêng liêng để tri ân. Trải qua một năm dài, bộn bề giữa những vất vả lo toan, khi vụ mùa hoàn thành, trong nô nức tiếng cười đầy ấm cúng, đủ đầy, người Việt xưa dành sự tri ân đầu tiên, đầy thành kính để dâng lên trời đất, các bậc tiền nhân, tổ tiên ông bà.
Trong tâm thức của người Việt, ý nghĩa đẹp nhất của ngày tết chính là sum vầy cả đại gia đình và bày tỏ lòng biết ơn đến ông bà tổ tiên. Ba ngày tết, mỗi người Việt đều tin rằng người thân đã khuất sẽ được con cháu thành kính “đón” về, như hiện hữu trong gia đình, chứng kiến từng sự đoàn viên, cùng dùng những bữa cơm ấm cúng, cùng thưởng thức từng vị bánh, tách trà…
Bàn thờ ngày tết, bởi thế trở thành trung tâm của ngôi nhà, trở thành góc xuân rực rỡ và thiêng liêng hơn cả. Tùy phong tục vùng miền, bàn thờ ngày tết sẽ được bày trí tương đối khác nhau. Nhưng về cơ bản, bàn thờ sẽ được lau dọn tinh tươm, thay những vật dụng cũ để bắt đầu một năm mới tinh khôi, may mắn.
Giữa bàn thờ là bát hương, hai bên là đôi đèn dầu hoặc đôi nến đỏ. Tùy nếp nhà, sẽ có thể có thêm đôi câu đối tết viết trên giấy đỏ, nhắc nhở con cháu về tổ tiên, gia tộc cũng như mang đến lời chúc hưng thịnh, vẹn toàn cho năm mới. Với ý nghĩa mời tổ tiên về “ăn tết” cùng con cháu nên trên bàn thờ không thể thiếu các thức bánh trái ngon nhất, được chăm chút chọn lựa. Từng hộp bánh rực rỡ mang theo vị tết xưa, từng mâm ngũ quả được nâng niu sắp đặt, kèm theo đó là trà hoặc rượu, như tấm lòng hiếu thảo từ con cháu bày tỏ đến ông bà.
Để trọn vẹn không khí mùa xuân, đồng thời tạo nên sinh khí từ lộc xanh nảy nở, trên bàn thờ sẽ có thêm những bình hoa tươi, thường là bình lay ơn đỏ, vạn thọ vàng, hoặc là một cành đào, cành mai trong lọ sứ lớn. Những bày biện khác, có thể linh động tùy thói quen, sở thích của bậc tiền nhân hoặc nếp riêng của mỗi gia đình. Chẳng hạn như cơi trầu, cặp bánh chưng, quả dưa hấu, các thức bánh mứt cổ truyền, các vật dụng ngày xưa ông bà từng dùng đến…
|
Góc thiêng liêng nơi nét xưa hòa quyện vẻ đẹp nay
Cùng nhịp sống hiện đại, bàn thờ gia tiên ngày tết đã thấp thoáng nhiều nét đổi thay. Sự đổi thay dễ thấy nhất, chính là vẻ tiết chế gọn gàng hơn. Xưa, bàn thờ ngày tết thường chuộng sự “đầy ắp”, để tỏ rõ tấm lòng thơm thảo của con cháu, sự viên mãn của ngày xuân. Còn với ngày nay, thế hệ con cháu trẻ trung, hiện đại thường thích những nét tinh tế, gọn gàng, không quá rườm rà nhưng vẫn thể hiện hết tấm lòng “Gửi thành kính, trọn tâm tình”.
Trên bàn thờ ngày tết của thời hiện đại, điểm nhấn không thể thiếu sẽ là những hộp bánh trang nhã, tinh tế, với sắc màu phù hợp với không khí tết, vừa trang trọng vừa đầy ắp sự may mắn, rộn ràng.
|
Dẫu xưa hay nay, với người Việt, bàn thờ ngày tết vẫn là nét đẹp không thể thiếu để báo hiệu tết về. Không chỉ thế, đó còn là một góc thiêng liêng để kết nối những yêu thương, những mối quan hệ gia đình mà trong bộn bề đời thường có khi ta quên lãng…
Bình luận (0)