Bản tin Covid-19 ngày 6.11: Thêm 7.491 ca nhiễm mới, F0 cộng đồng vẫn chưa thuyên giảm

06/11/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 6.11 của Báo Thanh Niên được phát lúc 20 giờ tối hằng ngày tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 6.11 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 7.491 ca Covid-19 mới, 1.754 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 6.11 cho biết tính từ 16h ngày 5.11 đến 16h ngày 6.11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới, 1.754 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 58 ca tử vong tại 14 tỉnh thành phố nâng tổng số ca tử vong lên 22.470 ca.

Thông tin về 7.491 ca nhiễm mới như sau:

  • 11 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 7.480 ca ghi nhận trong nước (giảm 7 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.108 ca trong cộng đồng). Gồm: Đồng Nai (1.085), TP.HCM (986), Bình Dương (921), An Giang (490), Kiên Giang (475), Cà Mau (318), Tây Ninh (267), Bạc Liêu (265), Tiền Giang (229), Bình Thuận (205), Sóc Trăng (203), Cần Thơ (201), Đồng Tháp (198), Hà Giang (146), Long An (142), Hà Nội (116), Vĩnh Long (97), Bà Rịa - Vũng Tàu (96), Bến Tre (84), Trà Vinh (73), Đắk Lắk (73), Phú Thọ (71), Gia Lai (63), Thừa Thiên Huế (63), Bắc Ninh (53), Khánh Hòa (50), Ninh Thuận (49), Nghệ An (48), Bắc Giang (44), Quảng Ninh (43), Thanh Hóa (37), Nam Định (29), Lâm Đồng (27), Quảng Nam (27), Điện Biên (23), Đà Nẵng (21), Hà Nam (18), Quảng Ngãi (18), Hưng Yên (16), Hà Tĩnh (16), Vĩnh Phúc (16), Quảng Bình (13), Lạng Sơn (11), Bình Định (11), Hải Phòng (10), Hải Dương (10), Lai Châu (7), Thái Bình (6), Kon Tum (3), Ninh Bình (2), Phú Yên (1), Thái Nguyên (1), Hòa Bình (1), Yên Bái (1), Tuyên Quang (1).-
Ngày 6.11: Cả nước 7.491 ca Covid-19, 1.754 ca khỏi | TP.HCM 986 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó:

Bạc Liêu(-203), Bình Thuận (-93), Đắk Nông (-76).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+132), An Giang (+79), Cà Mau (+77).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.349 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 961.038 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.756 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 956.126 ca, trong đó có 836.284 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Bắc Kạn, Cao Bằng.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (437.615), Bình Dương (238.079), Đồng Nai (71.176), Long An (35.642), Tiền Giang (17.871).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.754
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 839.101

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.235 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.283
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 522
  • Thở máy không xâm lấn: 117
  • Thở máy xâm lấn: 300- ECMO: 13

Từ 17h30 ngày 5.11 đến 17h30 ngày 6.11 ghi nhận 58 ca tử vong tại 14 tỉnh thành phố. Gồm: TP.HCM (32), Bình Dương (5), Kiên Giang (5), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Cà Mau (2), Đồng Tháp (2), Bình Định (1), Sóc Trăng (1), Lâm Đồng (1), Bình Thuận (1), Long An (1), Cần Thơ (1).- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 63 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.470 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 122.659 xét nghiệm cho 261.780 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 22.859.757 mẫu cho 61.898.223 lượt người.

Trong ngày 5.11 có 2.025.601 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 88.404.883 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.260.916 liều, tiêm mũi 2 là 28.143.967 liều.

TP.HCM cơ bản tiêm xong mũi 1 vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Hôm nay 6.11, Sở Y tế TP.HCM có báo cáo về việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức sau 10 ngày tiêm (từ ngày 27.10 đến ngày 5.11).

Theo báo cáo, tổng số trẻ dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 là 780.000 em. Tuy nhiên, sau rà soát, số trẻ cần tiêm vắc xin là 668.473 em, trong đó trẻ đi học là 608.809, trẻ không đi học là 59.664 em.

TP.HCM tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại trường học, tại cộng đồng và tại bệnh viện.

Theo Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho trẻ 12 - 17 tuổi về cơ bản đã hoàn thành thành. Một số Trung tâm y tế vẫn đang triển khai tiêm vét cho các trẻ hoãn tiêm.

TP.HCM cơ bản tiêm xong mũi 1 vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Như vậy, sau 10 ngày, TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho được 639.976 trẻ trên tổng số 668.473 trẻ (chiếm 95,7%). Trong đó, tỷ lệ tiêm cho trẻ đi học đạt 93,3% (568.057/ 608.809 trẻ ) .

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 10 ngày triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, ghi nhận 54 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm. Tất cả các trường hợp đều được xử lý kịp thời và an toàn.

Liên quan các tin tức về Covid-19 hôm nay tại TP.HCM, tính luôn tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi và từ 18 tuổi trở lên, TP.HCM đã tiêm hơn 13,6 triệu liều, trong đó hơn 7,8 triệu liều mũi 1 (99.72%) và gần 5,8 triệu liều mũi 2 (hơn 80%). Để tiêm mũi 2 cho trẻ em trong khoảng 3 - 4 tuần tới, TP.HCM cần bổ sung thêm vắc xin Pfizer, vì hiện TP.HCM chỉ còn dưới 50.000 liều Pfizer.

Cha mẹ được xem lọ vắc xin Covid-19 trước khi nhân viên y tế tiêm cho trẻ

Ngày 5.11, Bộ Y tế có Văn bản số 9439/BYT-DP gửi sở y tế các tỉnh, thành về việc bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động triển khai tiêm chủng (tiêm chủng mở rộng và chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19) đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương, một số cơ sở tiêm chủng chưa thực hiện nghiêm các hướng dẫn trong tiêm vắc xin phòng Covid-19 cũng như trong tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến một số sai sót xảy ra.

​Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đúng các quy định về tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng.

Cha mẹ được xem lọ vắc xin Covid-19 trước khi nhân viên y tế tiêm cho trẻ

Theo đó, trước tiêm thực hiện khám sàng lọc và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, thông báo về loại vắc xin sẽ tiêm chủng...

Trong quá trình tiêm, thực hiện tiêm đúng chỉ định, đúng liều, đúng đường dùng, kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng.

Cho đối tượng tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.

Sau khi tiêm, cần theo dõi phản ứng sau tiêm, bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng chưa sử dụng theo quy định; xử lý chất thải y tế sau tiêm…

Triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cần tuân thủ Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26.7.2021 của Bộ Y tế về Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 và các quy định, hướng dẫn khác của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế lập kế hoạch tiêm chủng thường xuyên và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo phù hợp, rõ ràng, tránh chồng chéo; bố trí nhân lực, phân công cụ thể nhiệm vụ của từng cán bộ trong buổi tiêm chủng và các điểm tiêm chủng, thời gian tiêm chủng phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế tăng cường truyền thông về sự cần thiết tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm khác ngoài dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay; khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ, đúng lịch, đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tiếp tục cập nhật thông tin và nhập mới, nhập hồi cứu đối tượng tiêm chủng hàng ngày lên hệ thống tiêm chủng vắc xin Covid-19 theo đúng tiến độ tiêm chủng của địa phương.

Tăng cường giám sát, hỗ trợ triển khai các hoạt tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng vắc xin Covid-19; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong quá trình tổ chức tiêm chủng.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế, UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm.

Mở lại sau giãn cách, quán cơm tấm Sài Gòn bán từ 4 giờ sáng lại tấp nập khách

Mỗi sáng, bà Thu Hồng (65 tuổi) chủ tiệm cơm tấm đầu hẻm 241 Bến Vân Đồn dậy từ 2 giờ sáng để thổi cơm. Sau đó, bà bày bán ngay trước một ngôi nhà cổ của hàng xóm cạnh nhà. Công việc này bà đã duy trì suốt từ những năm 20 tuổi. Đến nay, khi tuổi cao sức yếu, bà Hồng chỉ có thể nấu cơm, còn việc buôn bán phải nhờ cậy vào 2 người con gái.

Quán cơm tấm bán gia truyền bán từ 4 giờ sáng, view hoài cổ níu chân thực khách Sài Gòn

Quán cơm mở từ 4 giờ sáng, bà Hồng lý giải phải dọn ra sớm để bà con trong hẻm mua ăn để người lớn đi làm, trẻ nhỏ đi học. Tiệm đông nhất lúc 7 giờ và hết sạch hàng ngay lúc 9 giờ. Sau thời gian dài phải tạm dừng hoạt động vì giãn cách xã hội, đến khi mở lại, quán cơm tấm bình dị vẫn được nhiều khách quen nhớ tới và thường xuyên ủng hộ.

Bà Thu Hồng (đứng giữa/chủ tiệm) được con gái là chị Ngọc Phượng phụ bán quán từ vài năm nay

lê nam

Chị Ngọc Phượng (46 tuổi), con gái cả của bà Hồng bắt đầu tiếp quản tiệm cơm tấm của mẹ cách đây 2 năm. Mỗi ngày, chị Phượng ra tiệm từ 3 giờ sáng, sau đó hỗ trợ nướng sườn, bày biện hàng để bán cho khách.

Một phần cơm tấm sườn bì chả tại đây

lê nam

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (46 tuổi, con gái bà Hồng) cho biết: "Như sườn bì chả là 35.000 đồng, sườn không 25.000 đồng, xíu mại với chả là 20.000 đồng, hột vịt thịt kho 30.000 đồng, khô chà bông bì chả 25.000 đồng, cơm với 2 miếng chả là 20.000 đồng".

Bà Nguyễn Thị Xuân MaI (53 tuổi, thực khách) thường xuyên mua một phần bì chả để ăn sáng

lê nam

Tiệm cơm nhỏ mở được hơn 40 năm, trở thành món ăn quen thuộc của cả người dân trong hẻm nhỏ lẫn các thực khách từ các vùng lân cận.

7 giờ 30 phút, khách tấp nập đến ăn, tiệm chỉ có bàn với vài chiếc ghế đơn sơ, nên người gần tiệm mang tô, dĩa của nhà ra đựng mang về, ai xa thì đựng vào hộp, không thì ngồi xung quanh chủ quán để ăn như người trong nhà.

Căn nhà cũ tạo nên không gian hoài cổ cho tiệm cơm tấm gia truyền

lê nam

Tiệm cơm tấm bình dị tồn tại suốt gần nửa thế kỉ của mẹ con bà Hồng vẫn nóng hổi, thơm phức từ tờ mờ sáng. Dĩa cơm đầy đặn, giá phải chăng, nguyên liệu tươi ngon vừa vặn được duy trì qua 2 thế hệ. Người ăn không chỉ cảm được cái vị quen thuộc, gần gũi của ẩm thực Sài Gòn; ngồi trước không gian hoài cổ, dĩa cơm tấm cũng ngon miệng, hấp dẫn hơn.

Cả thế giới đã ghi nhận hơn 249.231.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.040.000 ca tử vong

Đến 18 giờ chiều 6.11 (theo giờ Việt Nam), theo cập nhật từ Đại học Johns Hopkins của Mỹ, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 249.231.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 5.040.000 ca tử vong và hơn 7.215.000.000 liều vắc xin Covid-19 đã được phân bổ.

Mỹ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất với hơn 46.436.000 trường hợp mắc bệnh cùng 753.930 ca tử vong Vương Quốc Anh xếp thứ hai với hơn 9.286.000 ca nhiễm và 142.019 ca tử vong.

Kế tiếp là Nga với hơn 8.613.000 ca nhiễm và 241.095 ca tử vong. Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí thứ tư với hơn 8.178.000 ca nhiễm Covid-19 cùng 71.724 ca tử vong. Ukrainechốt lại top 5 với hơn 3.200.000 ca nhiễm cùng 76.175 ca tử vong.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở tỉnh Tver, Nga

Reuters

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 6.11 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.