Bạn trẻ có nên dừng học một năm để trải nghiệm cuộc sống?

28/02/2018 16:50 GMT+7

Việc nữ sinh Nguyễn Đình Tôn Nữ nhận được học bổng 7 tỉ vào ĐH Harvard nhưng không nhập học ngay mà quyết định tạm nghỉ một năm để trải nghiệm cuộc sống đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Bạn trẻ muốn…

Gap year được hiểu là khoảng thời gian nghỉ sau khi tốt nghiệp THPT trước khi quyết định nhập học CĐ, ĐH. Gap year phổ biến tại các quốc gia phát triểnnhưng vẫn còn mới mẻ đối với nhiều học sinh Việt Nam.

Trong thời gian gap year, các bạn trẻ thường đi du lịch, tham gia các hoạt động xã hội, học thêm ngoại ngữ... để trải nghiệm và rèn luyện thêm kỹ năng sống.

Nguyễn Đình Tôn Nữ quyết định nghỉ một năm trước khi nhập học ĐH Harvard

Mới đây, Nguyễn Đình Tôn Nữ (cựu học sinh Trường Hà Nội-Amsterdam), nữ sinh nhận được học bổng trị giá 7 tỉ đồng vào ĐH Harvard (năm 2017), đã quyết định dành một năm để trải nghiệm cuộc sống. Tôn Nữ đã có thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện ở nhiều nơi. Cô gái học giỏi, cá tính này cũng đã vào TP.HCM để học về điện ảnh...

"Với em, gap year là khoảng thời gian để mình tự tìm hiểu về thế giới xung quanh và trau dồi kiến thức trước khi bước sang những chương tiếp theo của cuộc sống”, Tôn Nữ chia sẻ.

Tương tự, Lâm Trần Nhật Uyển, cựu học sinh Trường quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM) cũng quyết định nghỉ một năm trước khi đi du học.

Nhật Uyển đã làm một số việc mình thích như học làm phim, thực tập tại một công ty nước ngoài để rèn luyện kỹ năng và ngôn ngữ, đi du lịch, học thêm tiếng Pháp, Ý...

Trong khi đó, Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), cũng từng dành ra một năm để tham gia các chương trình của tổ chức du học sinh Mỹ, làm tình nguyện viên của Liên Hiệp Quốc, học đàn, tiếng Trung…

“Trước đây em chỉ biết học và học, hoàn toàn mơ hồ về cuộc sống xung quanh. Gap year thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời để em trải nghiệm cuộc sống, giúp em biết mình thực sự muốn gì và sẵn sàng cho cuộc sống tân sinh viên”. Được biết, Anh Thư đã nhập học vào một trường ĐH tại Mỹ.

... phụ huynh chưa sẵn sàng

Lê Bá Trâm Anh, học sinh lớp 12 Trường quốc tế Wellspring (TP.HCM) cho biết lâu nay em vẫn “mơ mộng, ấp ủ” kế hoạch gap year trước khi du học.

Trâm Anh hào hứng: “Em còn rất nhiều cuốn sách chưa đọc, nhiều nơi chưa đặt chân đến, nhiều hoạt động em chưa tham gia. Em còn muốn luyện cờ tướng, tập guitar… Em muốn làm tất cả điều đó”.

Tuy nhiên, ba mẹ Trâm Anh lại muốn con tập trung vào việc học ĐH ngay sau khi tốt nghiệp THPT. “Ba mẹ muốn em nhanh tốt nghiệp ĐH, có công việc ổn định, thu nhập tốt, lập gia đình rồi mới quay lại làm những việc đó. Nhưng lúc đó thì đâu còn sức trẻ, đâu còn sự háo hức của tuổi 18 nữa”, Trâm Anh thổ lộ.
Theo Trâm Anh, những trải nghiệm trong khoảng thời gian gap year không chỉ tốt cho bản thân, mà còn có giá trị khi nộp đơn vào một trường ĐH ở nước ngoài.
Trâm Anh muốn tạm dừng một năm trước khi vào ĐH
Anh Tuấn, sinh viên năm cuối Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, đang theo học một học kỳ tại Trường ĐH Niagara (Mỹ, liên kết với ĐH Ngoại thương), cho biết: “Ở Việt Nam còn rất ít bạn trẻ dám gap year nhưng ở các nước phát triển thì khá phổ biến. Vài người bạn ở Phần Lan của em cũng không đi học sau khi tốt nghiệp THPT, mà họ đi làm rồi tích cóp tiền đi du lịch, nên giờ có người 24 tuổi vẫn đi học ĐH”.

Tuấn cho rằng thời gian gap year thực sự có ích, giúp bạn trẻ tích lũy kinh nghiệm, sống tự lập, có cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Nhờ vậy việc học ĐH cũng thuận lợi hơn.  

Nguyễn Đình Tôn Nữ nhìn nhận : “Có lẽ các bậc phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng để con em mình nghỉ một năm, mà muốn con theo đuổi sự nghiệp luôn. Em nghĩ, các bạn muốn thực hiện gap year thì hãy chia sẻ và tạo niềm tin với ba mẹ, giúp họ hiểu thời gian tạm dừng này có ý nghĩa thế nào đối với bản thân”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.