Hơn 30.000 chiến sĩ của các trường tại TP.HCM đang tham gia nhiều hoạt động của chiến dịch Xuân tình nguyện 2016.
Nhiều hoạt động gây quỹ từ thiện thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: Vũ Phượng |
Hiện tại, các chiến sĩ của chương trình đang tích cực tham gia nhiều hoạt động trên khắp thành phố để góp một phần sức của mình mang tới một mùa xuân ấm áp và ý nghĩa hơn cho cộng đồng.
Hướng tới cộng đồng
Lựa chọn địa bàn thực hiện chiến dịch là xã nghèo Đắc Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, các chiến sĩ của câu lạc bộ tình nguyện IR4C (khoa Quan hệ quốc tế, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã phải lập kế hoạch và rục rịch chuẩn bị từ những ngày giữa tháng 11.
Dương Thị Thúy An (Phó chủ nhiệm CLB) cho biết các chiến sĩ của CLB sẽ đóng quân xuống địa bàn trong 4 ngày 3 đêm (22-25 tháng chạp), với mức dự trù kinh phí là 60 triệu đồng. Trong đó, công trình trọng điểm là “thắp sáng đường quê”, bắt 2 km đèn đường và tặng 2 máy tính để bàn cho trường tiểu học.
“Chỉ là một công trình rất nhỏ so với những thiếu thốn ở xã, nhưng chúng em vẫn quyết tâm thực hiện vì mong rằng mình đã góp một phần giúp bà con có một cái tết trọn vẹn”, Thúy An chia sẻ.
Các sản phẩm bày bán tại trường nhận được sự ủng hộ từ đông đảo sinh viên - Ảnh: Vũ Phượng
|
Tương tự, các chiến sĩ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) chọn địa bàn là xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - xã chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có diện tích đất bị nhiễm mặn trầm trọng. Chính vì vậy, những hoạt động thiết thực luôn được các chiến sĩ ưu tiên lên hàng đầu như tổ chức các hoạt động giúp học sinh biết cách ứng phó với biến đổi khí hậu và biết hành động để bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, trong suốt thời gian đóng quân xuống địa bàn (22 - 26 tháng chạp), các chiến sĩ Khoa Văn học và Ngôn ngữ còn tổ chức xuyên suốt nhiều chương trình có ý nghĩa khác như: viết thư pháp, chăm lo đời sống của mẹ Việt Nam anh hùng, giao lưu cùng bộ đội, tổ chức gói bánh tét...
Nhiều hoạt động gây quỹ
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, các CLB đều phải rục rịch nhiều hoạt động để gây quỹ từ rất sớm. Trong số đó, bán hàng handmade là hình thức được nhiều CLB lựa chọn.
Cầm trên tay chiếc móc khóa do chính mình làm, Lê Hoàng Bảo Trân (thành viên CLB IR4C) hào hứng: “Chúng em xem trên mạng hướng dẫn rồi làm theo, thời gian làm hơi lâu nhưng để phù hợp với sinh viên nên chỉ bán 15.000 đồng/2 cái. Mặt hàng này chúng em bán rất chạy”.
Thúy An bất ngờ vì nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các tiểu thương - Ảnh: Vũ Phượng
|
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi trường, các chiến sĩ của CLB IR4C còn mang những sản phẩm do chính tay mình làm ra đi đến các chợ để vận động ủng hộ. Khi biết ý nghĩa cao đẹp của hành động, nhiều tiểu thương đã không ngại ngần ủng hộ thêm hiện vật là những gói kẹo, hay những đôi dép, vài kg gạo.
Với kế hoạch đặt ra, Thúy An cho biết CLB dự trù kinh phí lên đến 60 triệu đồng. Thúy An chia sẻ: “Khi vạch ra kế hoạch chúng em cũng rất lo, vì không biết mình có thể đạt tới con số mình đặt ra không. Nhưng ai cũng quyết tâm, sau một ngày đi vận động ở chợ về nhìn bạn nào cũng mệt nhưng ai cũng háo hức đếm đi đếm lại vì mừng. Thêm một số nguồn từ nhà tài trợ, đến nay CLB cũng đã chạm tới con số dự trù”.
Các chiến sĩ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ cũng có nhiều hoạt động tích cực để gây quỹ như bán bao lì xì, dụng cụ học tập, móc khóa handmade, vòng tay handmade, đặc biệt là các sản phẩm tái chế từ giấy, chai nhựa.
Nguyễn Thị Tuyết Mai (Đội trưởng đội tình nguyện khoa Văn học và Ngôn ngữ) chia sẻ: “Kinh phí dự trù lên tới 57 triệu nên ngoài việc bán hàng, chúng em còn gửi hồ sơ xin tài trợ đến các tổ chức có truyền thống tài trợ các chương trình dịp tết. Bên cạnh đó, nhiều thầy cô, cựu sinh viên, sinh viên trong khoa cũng ủng hộ rất nhiều nên mọi việc đều rất thuận lợi”.
Bình luận (0)