Bạn trẻ Việt còm thách thức trên ‘Facebook IS’ và hiểm họa khôn lường

16/11/2015 20:15 GMT+7

Câu chuyện về những bạn trẻ người Việt Nam lên “Facebook của IS” thách thức tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) chỉ là trò đùa nhưng đằng sau đó là những hiểm họa khôn lường.

Câu chuyện về những bạn trẻ người Việt Nam lên “Facebook của IS” thách thức tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) chỉ là trò đùa nhưng đằng sau đó là những hiểm họa khôn lường.

Trang Facebook giả mạo IS gây hoang mang cùng những câu chuyện dở khóc dở cười của người dùng Facebook Việt Nam - Ảnh chụp màn hìnhTrang Facebook giả mạo IS gây hoang mang cùng những câu chuyện dở khóc dở cười của người dùng Facebook Việt Nam - Ảnh chụp màn hình

Vụ khủng bố tại thủ đô Paris của Pháp gây thương vong hàng trăm người ngày 13.11 vừa qua vẫn đang là chủ đề nóng trên mặt báo quốc tế. Tổ chức IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm đối với các cuộc tấn công liên hoàn này.

Trong lúc câu chuyện về an ninh, khủng bố toàn cầu vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cộng đồng người dùng Facebook Việt Nam lại vừa trải qua một câu chuyện dở khóc dở cười khác, một nhóm đông đảo các bạn trẻ lên một Facebook tự xưng là IS để chửi rủa, thậm chí thách thức IS sang Việt Nam.

"Anh hùng bàn phím"

Rất nhiều người dùng Facebook ở Việt Nam, trong đó đa phần là những bạn trẻ, đã vào trang có tên Timur Zhunushov để chửi mắng, miệt thị bằng câu từ tục tĩu. Trong đó, một số ý kiến còn khiêu khích chủ nhân Facebook ấy bằng cách mời gọi sang Việt Nam.

Qua khảo sát, hóa ra có rất nhiều trang tên Timur Zhunushov và tất cả chỉ mới vừa lập ra cách đây vài ngày. Thậm chí sau khi trang đầu tiên “nhận gạch đá” tới bời, rất nhiều trang khác đã ăn theo và lấy tên đó để thu hút sự chú ý.

Dù biết đó là trò đùa; tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều người vào bình luận trách móc những bạn trẻ đã lên tiếng khiêu khích “IS”.

Một tài khoản tên Ani Su viết: “Thật sự là một người Việt Nam, tại sao chúng ta phải làm như vậy. Họ không làm gì chúng ta, tại sao những người hay những ‘anh hùng bàn phím’ lại nói những điều như mình là người không có giáo dục vậy...”.

Một trong những Facebook giả mạo IS vừa qua đã thừa nhận cố tình lập nên trang này - Ảnh chụp màn hình

Cùng ý kiến trên, nhiều bạn đọc nhận xét rằng, cũng may đó không phải là “IS thật”, nếu không sẽ không thể lường trước hậu quả.

Trên thực tế, gần đây trào lưu giả danh Facebook của người nước ngoài hoặc người nổi tiếng có xu hướng trở thành trào lưu.

Sau trận tuyển Việt Nam thua tuyển Thái Lan 0-3 trên sân Mỹ Đình hôm 13.10, ống kính camera vô tình đưa một nữ cổ động viên xinh đẹp của Thái Lan lên màn hình. Cô gái xa lạ bất ngờ trở nên nổi như cồn trong cộng đồng mạng Việt Nam, và gần như ngay lập tức danh tính của cô được công khai: Wariya Wongputtha. Và không cần đợi lâu, một địa chỉ Facebook mang tên nữ cổ động viên ấy đã xuất hiện, sau đó mới bị lật tẩy là do cổ động viên Việt Nam lập nên.

Hiểm họa khôn lường

Bất chấp đây là những trò đùa hay sự thật, những hành động như vừa nêu của đông đảo người dùng Facebook đang có nguy cơ trở thành vấn đề khó khăn khôn lường cho xã hội và chính bản thân họ.

Thạc sĩ Đào Lê Hòa An

Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, cho rằng khâu quản lý lỏng lẻo đã góp phần sinh ra tình trạng bạn trẻ lên mạng phát ngôn bừa bãi.

Tôi cho rằng sự thiếu suy nghĩ cộng với một nền tảng văn hoá yếu kém cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những phát ngôn thách thức như vậy.

Th.S Đào Lê Hòa An

“Việc không có một bộ quy tắc ứng xử cũng như quy định chặt chẽ về các phát ngôn trên các trang mạng xã hội là điều kiện thuận lợi cho những ‘anh hùng bàn phím’ tự do ‘bình loạn’. Không loại trừ khả năng thích ‘làm nổi”, ‘chơi trội’ và ‘té nước theo mưa’. Trong trường hợp này là nhằm thoả mãn nhu cầu tự khẳng định và mong muốn được nhiều người biết đến”, thạc sĩ Đào Lê Hòa An nói với Thanh Niên.

Trong vụ "Facebook IS" nêu trên, nhiều ý kiến cũng nói rằng các bạn trẻ đã vô tình xúc phạm đến những người đạo Hồi không liên quan tới các cuộc khủng bố. Trò đùa này đã tạo ra những phát ngôn với nhiều hậu quả khôn lường.

"Việc đụng chạm đến tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo luôn là điều cấm kị trong giao tiếp ứng xử. Thực tế cho thấy đã có nhiều hậu quả không hay khi niềm tin tôn giáo bị xúc phạm, nó không đơn thuần là mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân mà là cả một cộng đồng. Vì vậy, cần nghĩ suy thật cặn kẽ,  thấu tình đạt lý trước khi đăng tải bất cứ điều gì trên mạng xã hội", ông Đào Lê Hòa An nói thêm.

Cần tôn trọng con người, tôn giáo và luật pháp

“Những comment thách thức, chửi trên Facebook giả danh như trên, dẫu sao cũng là hành động thiếu suy nghĩ và thiếu văn hóa. Dù rằng cả thế giới bức xúc, căm phẫn với hành động của tổ chức IS nhưng không thể vì vậy mà bốc đồng, dùng những lời lẽ xúc phạm đến tôn giáo, xúc phạm đến người khác”, một cán bộ của Cục An ninh, Bộ Công an nói với Thanh Niên.

Theo cán bộ này, những hành động thiếu suy nghĩ trên không chỉ phản ánh chính họ, mà còn tạo ra nguy cơ lan tỏa.

“Nó sẽ tạo hiệu ứng không tốt, lôi kéo nhiều người có tư tưởng cực đoan để tiếp tục có những lời lẽ không hay, xúc phạm, thách thức nặng nề hơn. Nếu đã có nhiều người tham gia hoặc theo dõi, nó sẽ tạo thành phong trào, lôi kéo nhiều người cùng có những phản ứng không hay, gây kích động làm ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội cũng như làm xấu hình ảnh của người Việt Nam với các nước trên thế giới”, vị cán bộ trên nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.