Cây bần ổi nói riêng hay cây bần nói chung từ trước tới nay vốn là loài cây hoang dại không có giá trị kinh tế. Thế mà bỗng dưng nó lại được thu mua với giá từ 15.000-30.000 đồng/kg (trong dân) và từ 50.000-100.000 đồng/kg (dành cho thương lái) thì quả là một món lợi lớn mà nhiều người không thể bỏ qua. Chính vì vậy đã có hàng chục tấn bần ổi từ thân, lá, trái được thu gom để chuẩn bị xuất bán. Sự việc chỉ vỡ lỡ khi người thu mua “lặn” mất.
Giả sử, việc mua bán trót lọt chắc chắn sẽ có nhiều tấn cây, trái bần bị triệt hạ; sau cây bần ổi chắc là sẽ đến cây bần thường. Nếu chỉ nhìn sự việc ở góc độ kinh tế thì sẽ có một số người dân nghèo được hưởng lợi từ việc này. Nhưng còn ở góc độ môi trường thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Cây bần cùng với mắm, đước, sú, vẹt… tạo thành một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển miền Tây. Cùng với phù sa từ sông Mê Kông đổ về, hệ sinh thái này trong nhiều năm qua giúp cho các bãi bồi lấn dần ra biển, giúp một số tỉnh miền Tây mở rộng diện tích. Ngoài ra, ở những nơi sạt lở những loại cây này đã góp phần ngăn sóng, cản nước làm hạn chế sạt lở. Như vậy, dù chỉ là một loài cây hoang dại không có giá trị kinh tế nhưng có ý nghĩa về mặt môi trường rất lớn. Ngoài ra, theo một số tài liệu thì nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa cây bần vào loại quý hiếm cần được bảo tồn. Trong cây bần có chứa một số dược tính có thể chiết xuất để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và dược học. Nếu việc mua bán cây bần ổi ở Bạc Liêu không bị phát hiện thì có lẽ họ nhà bần sẽ bị triệt hạ đến hết. Lúc đó hệ sinh thái sẽ bị mất cân bằng, rồi những hệ lụy từ đó gây ra sẽ khó có thể lường hết.
Trong chuyện thu mua cây bần, chúng ta thấy xuất hiện yếu tố người nước ngoài. Nếu đều này là sự thật thì rõ ràng đó là một âm mưu chơi bẩn của họ nhằm làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vùng ĐBSCL, được bắt đầu từ cây bần.
Chí Nhân
Bình luận (0)