Bàn về hát nhép

06/09/2011 23:15 GMT+7

Sau khi Thanh Niên số 243 ra ngày 31.8.2011 đăng bài Hát nhép có tội tình gì?, tòa soạn đã nhận rất nhiều ý kiến phản hồi. Chúng tôi xin đăng một số ký kiến xung quanh vấn đề này.

Hát thật thì dở mà hát dỏm thì hay

Lâu nay mình không quản lý nổi nên chuyện hát nhép mới tràn lan. Nhưng bây giờ có cho nhép một số trường hợp thì còn lại cũng… khó mà đảm bảo.

Nếu cho nhép trong các chương trình có truyền hình trực tiếp, thôi thì cũng được, nhưng vậy thì thà mình cứ đầu tư âm thanh cho hay, cho đảm bảo đi, để ca sĩ không phải băn khoăn về chuyện hát thật thì dở mà hát dỏm thì hay. Tôi nghĩ, đã tới lúc mình phải nâng cấp chất lượng âm thanh để ca sĩ yên tâm biểu diễn, trong bất cứ trường hợp nào.

 
Nhiều chương trình ca nhạc như Album vàng được ghi hình và phát trực tiếp trên truyền hình đòi hỏi chất lượng âm thanh phải tốt - Ảnh: Đ.T

Ca sĩ Cẩm Vân

Là ca sĩ không thể hát nhép được

Là ca sĩ, đã ra sân khấu, đứng trước công chúng rồi thì không thể hát nhép được. Nếu anh muốn nhảy đẹp, hát hay, thì phải cố gắng luyện tập để hoàn hảo trong mắt khán giả. Còn không đủ thực lực thì đừng làm nghề. Có như vậy những người làm ca sĩ mới được gọi là nghệ sĩ, là tài năng. Chưa kể, nếu cho hát nhép, dù trong trường hợp nào, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy: các thế hệ sau sẽ lười học, biếng tập; các nhạc công, các kỹ sư âm thanh cũng mòn tay nghề… Nếu hát nhép mà được cho phép, thì đâu cần các cuộc thi tuyển giọng hát hay làm gì, đâu cần phải có trường đào tạo âm nhạc nói chung và nghề ca sĩ nói riêng.

Ca sĩ Ánh Tuyết

Có những trường hợp cần du di

Hát nhép là có tội! Nhưng mình mà phản ứng gay gắt thì cũng khó. Đúng là nghệ sĩ thì chỉ có nghề duy nhất là hát, còn nếu cho nhép thì ai cũng có thể làm ca sĩ được.

Tôi chỉ có băn khoăn thế này: trong trường hợp ca sĩ đến ngày diễn mà sốt cao hay cổ họng đau buốt không thể hát được, thì sẽ thế nào, công khai với khán giả mình nhép hay rút tên khỏi chương trình? Có lẽ trường hợp này là cần được du di để nhà tổ chức khỏi phải đau đầu, khán giả cũng nên cảm thông. Còn lại, tất cả đều phải hát thật. Anh phải hát thật để cho mọi người biết mình có nghề hay không, nghề mình hay tới đâu!

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng

Ca sĩ nước ngoài cũng hát nhép, nhưng...

Thật ra ở nước ngoài, cũng có những chương trình, những ca sĩ đôi lúc cần phải nhép. Có điều, ở VN quá lạm dụng chuyện nhép, nên mới trở thành vấn nạn, trở nên trầm trọng. Ai cũng muốn chương trình mình, tiết mục mình hay, đẹp, tốt nhất cho khán giả, nhưng vấn đề nằm ở ý thức của ca sĩ, đó mới là điều quan trọng. Tôi nghĩ, ngoài yếu tố sức khỏe không đảm bảo, với những chương trình thực hiện để vừa ghi hình lại, sẽ có những tiết mục cần nhép, hoặc khi biểu diễn ở sân vận động với micro không dây (âm thanh thường rất tệ và tiếng hát luôn đi sau phần nhạc) cũng vậy, và khán giả cần được biết điều đó.

Ca sĩ Nguyên Vũ

Cũng cần phải nhép...

Đúng là cũng có những trường hợp cần phải nhép, vì có những ca sĩ chú trọng phần nhảy - diễn hơn phần hát, và rõ ràng phần nhảy của họ cũng trội hơn phần hát. Mà ca sĩ thì mỗi người một phong cách, có hát hay thì cũng có nhảy đẹp, nhu cầu của khán giả cũng đa dạng. Thế nên, nếu một ca sĩ nhảy đẹp (mà khán giả thích xem họ nhảy), phải diễn cùng vũ đoàn trong nhiều bài liên tục, thì cũng có thể du di… Song, cũng hát liên tục nhưng nếu hát slow hay ballade mà nhép thì chắc chắn sẽ bị phản đối.

Ca sĩ Thu Minh

Chưa bao giờ ủng hộ hay phản đối chuyện hát nhép

Tôi chưa bao giờ ủng hộ hay phản đối chuyện hát nhép. Hát nhép, tôi nghĩ, là một hình thức biểu diễn, nếu cần thiết thì sử dụng. Còn khán giả, nếu cảm thấy bị lừa dối, thì lần sau đừng xem những ca sĩ đó, những chương trình đó nữa. Người nghe bây giờ họ tinh ý và có quyền lựa chọn, họ sẽ tự biết ở đâu cần nghe, chỗ nào chỉ để xem. Như tôi, khi mua vé xem live show Britney Spears, tôi biết có những tiết mục cô ấy nhép, nhưng tôi vẫn thích, vì cái chính là tôi muốn được xem cô ấy diễn, và được nghe hay. Tôi mua vé là để xem biểu diễn, mua sự giải trí.

Lâu nay, tôi thấy trong những chương trình có truyền hình trực tiếp, giọng mình đều… dở nhất, vì tôi luôn hát thật. Nhưng, mình anh hùng làm gì để bị khán giả chê nhiều nhất, trong khi những người nhép thì được khen hay? Vì vậy, sau này nếu trường hợp nào cần, yêu cầu thì tôi sẽ chẳng ngại hát nhép.

Ca sĩ Đức Tuấn

Có thể châm chước

Cần có cái nhìn công bằng cho ca sĩ Việt trong chuyện hát nhép. Ở nước ngoài, ca sĩ cũng hát nhép rất nhiều, quan trọng là trong trường hợp nào, chương trình gì mà thôi. Nếu đó là chương trình bán vé thì hiển nhiên ca sĩ phải hát thật vì khán giả cần nghe giọng hát cũng như cảm xúc. Trường hợp các chương trình ca nhạc có truyền hình trực tiếp thì do phải qua nhiều công đoạn kỹ thuật nên nếu hát thật chất lượng âm thanh bị giảm sút. Vì vậy, chuyện hát nhép có thể được châm chước. Nên quy định cụ thể, chi tiết trường hợp nào được hát nhép vì lợi ích của ca sĩ, khán giả và cả nhà tổ chức. Hát nhép không đáng được ủng hộ nhưng không quá tiêu cực như dư luận từng lên án.

Trần Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Công ty Thế giới giải trí

Thiên Anh - Đ.T (ghi)

Sẽ quy định những trường hợp cấm và cho hát nhép

Trong dự thảo nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn, bên cạnh những trường hợp cấm hát nhép, còn quy định cụ thể những trường hợp đặc biệt cho hát nhép.

Đối với các chương trình biểu diễn có công chúng, bán vé, sẽ cấm ca sĩ không dùng phương tiện kỹ thuật thay thế giọng hát thật. Nếu trong một chương trình như vậy mà xảy ra trường hợp ca sĩ sức khỏe không tốt thì người đó đừng nhận lời tham gia. Ai chứng nhận được tình trạng sức khỏe của ca sĩ. Hơn nữa, sức khỏe không đảm bảo sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của chính ca sĩ. Nếu chúng ta xem xét cho trường hợp này được hát nhép thì lại có trường hợp khác, sẽ tạo tiền lệ không tốt. Trong một chương trình bán vé, không thể thông báo bài này hát thật, bài kia hát nhép được (?).

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu có những chương trình phải hát nhép. Chẳng hạn, với những chương trình mà mục đích quảng bá hình ảnh đất nước là quan trọng, có tính quốc tế cao, cần độ an toàn cao trong khi nhiều yếu tố phải tính đến như thời tiết, gió bão, kỹ thuật... (chẳng hạn như lễ khai mạc, bế mạc ASIAD, Thế vận hội Olympic, chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội...), sẽ có ngoại lệ cho phép hát nhép. Ở nước ngoài, cũng cho phép ca sĩ được hát nhép trong những trường hợp như vậy. Hầu hết những chương trình cho phép hát nhép sẽ không kinh doanh, bán vé thu tiền.

Với chương trình nghệ thuật truyền hình trực tiếp (trừ những trường hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng), có công chúng, ca sĩ phải hát thật. Trong chương trình truyền hình phát sóng bình thường, video clip ca nhạc, cho phép lồng tiếng với hình, ca sĩ được phép hát nhép.

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn

 Minh Ngọc (ghi)

Phải công khai

Hiện luật không quy định trường hợp được phép hát nhép. Tất cả những quy chế, nghị định đã ban hành đều quy định không được dùng giọng hát thu trong băng, đĩa để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn. Theo tôi, sắp tới nếu có chỉnh sửa, bổ sung về chuyện hát nhép thì nên đưa vào trường hợp cá biệt cụ thể được hát nhép như chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời được trực tiếp truyền hình, không bán vé thu tiền và nhà tổ chức phải công khai chuyện hát nhép của nghệ sĩ với công chúng vì lý do đảm bảo kỹ thuật thu hình để khán giả không cảm thấy bị “lừa”. Trường hợp chương trình có truyền hình trực tiếp nhưng tổ chức trong khán phòng hay ngoài trời có bán vé thu tiền thì tuyệt đối không được hát nhép. Đây chỉ là trường hợp cá biệt được quy định rõ bằng văn bản. Còn lại nếu gộp chung tất cả những chương trình nghệ thuật có trực tiếp truyền hình mà được phép (hay bỏ qua) chuyện hát nhép thì không nên.

Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM

Đỗ Tuấn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.