Bàn về nhiếp ảnh và sự giả dối

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/05/2018 07:29 GMT+7

Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng cuốn Bàn về nhiếp ảnh của Susan Sontag (Mỹ) mang những triết lý về khả năng nói dối, tạo siêu thực tế của nghệ thuật này.

Cuốn Bàn về nhiếp ảnh (do Phương Nam Book và NXB Thế giới xuất bản) của Susan Sontag ra đời từ năm 1977. Tuy nhiên, theo dịch giả Trịnh Lữ, ông vẫn hào hứng khi dịch tác phẩm. Ông cũng rất vui khi Phương Nam Book nhận in tác phẩm này. “Tôi chọn dịch vì những suy nghĩ của tác giả về nhiếp ảnh không lạc hậu chút nào. Nó động đến những vấn đề rất sâu về mặt triết học, xã hội học, nghệ thuật... Bà ấy viết về vai trò của nhiếp ảnh, về việc nhiếp ảnh thay đổi rất nhiều cách nghĩ, cách nhìn của xã hội, của con người. Điều đó rất quan trọng. Nếu mọi người đọc biết những suy nghĩ như thế cũng là một cửa để mở rộng quan niệm của mình về thực hành chụp ảnh”, dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ.
Trong cuốn sách có nhiều câu chuyện về nhiếp ảnh nhưng lại mang tính triết học. Chẳng hạn, hành động thực dân hóa đã được thực hiện thông qua nhiếp ảnh như thế nào. Theo Susan Sontag, đã có những đội quân du lịch tràn đến nơi ở của người da đỏ ở Mỹ, săn lùng những hình ảnh đẹp về người da đỏ. Để có được những hình ảnh mong muốn, họ xâm lăng cõi riêng tư của người da đỏ, chụp ảnh cả linh vật, những điệu nhảy ở chỗ linh thiêng. Thậm chí, những người chụp ảnh này còn trả tiền để người da đỏ tạo dáng và sửa đổi cả những nghi lễ của họ cho ăn ảnh hơn.
Ảnh: Ngữ Yên
Câu chuyện này dường như có sự tương đồng với nhiều tác phẩm chụp người dân tộc ít người tại VN. Ở đó, hình ảnh người dân tộc có khi được tái hiện là những người già với làn da nhăn nheo, hay đứa trẻ lem luốc. “Tôi nghĩ, phần lớn người đi chụp ảnh ở VN vẫn có tâm lý là du lịch, vẫn muốn giới thiệu những thứ đặc biệt của mình, nó phải đèm đẹp trong khuôn hình màu sắc. Họ nghĩ cho ngoại quốc xem thì người thiểu số là đẹp nhất. Bà già phải làm thế này, trẻ em phải thế kia. Có khi phải trả tiền cho người ta làm. Dòng nhiếp ảnh như thế sẽ rất khó có chân trong bản đồ nghệ thuật nhiếp ảnh”, dịch giả Trịnh Lữ cho biết.
Với cách “đọc” nhiếp ảnh trong cuốn tiểu luận, ông Trịnh Lữ cũng cho rằng sách sẽ gợi cho những người muốn đi sâu vào chụp ảnh nhiều điều. Đối tượng của sách, theo ông là “người muốn đi sâu vào nhiếp ảnh và muốn thú vui chụp ảnh của mình có ý nghĩa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.