Ấy là vì, theo quy trình, sau khi được UBND phường, xã, thị trấn triển khai văn bản và cách thức thực hiện thì ban điều hành khu phố, tổ trưởng các tổ dân phố sẽ rà soát, thống kê, lập danh sách người lao động tự do, gửi về UBND phường, xã, thị trấn để thông qua hội đồng xét duyệt. Từ đó mới tới các bước như thẩm định, phê duyệt, chi trả.
Cư dân mạng nói, “ông tổ trưởng” là “trùm cuối”, tức là người quyết định ai được nhận, ai không... Lần triển khai gói an sinh xã hội đợt 1 cho lao động tự do (khoảng giữa tháng 7.2021), trong báo cáo của địa phương, có lý giải tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động còn chậm cũng một phần do “ông tổ trưởng”... “Dịch Covid-19 phức tạp, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, nên một số cô chú khu phố, tổ dân phố chưa nhiệt tình, khẩn trương rà soát, lập danh sách lao động tự do được hưởng hỗ trợ” hoặc “nhiều trường hợp danh sách lập khi lên hội đồng xét duyệt thì thấy chưa đúng đối tượng lao động tự do thuộc các ngành nghề, lĩnh vực theo hướng dẫn ở Công văn 2209/2021 của UBND TP.HCM nên phải điều chỉnh nhiều lần”, một báo cáo ghi rõ.
Có thể thấy, sau những màn luận bàn, gọi tên “ông tổ trưởng” chính là việc người dân mong muốn sự công bằng khi triển khai chính sách ở địa phương, nhất là khi họ đang rất khó khăn vì dịch Covid-19. Tổ trưởng giúp nhau, tổ trưởng giúp dân, chuyện ở cơ sở chỉ có tổ trưởng nắm chắc nhất. Sự nhiệt tình, công tâm của tổ trưởng sẽ giúp việc triển khai gói hỗ trợ nhanh chóng, không để người dân nào gặp khó khăn. Chuyện về ông tổ trưởng, vẫn là chuyện trao cho nhau những tấm chân tình.
Bình luận (0)