Bằng cấp

29/09/2017 06:16 GMT+7

Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu” với khách hàng thuộc khối đầu tư nước ngoài, bên cạnh lời ngợi khen về tinh thần hiếu học của người VN, tôi thường nghe những thắc mắc như: Tại sao người VN cứ nhất thiết phải có bằng ĐH, thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ, cho dù họ làm những việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mà một trường dạy nghề có thể trang bị cho họ tốt hơn cả chương trình đào tạo hàn lâm?
Quả thật, căn bệnh sính bằng cấp đã ăn sâu vào tiềm thức của hầu hết các gia đình VN, và thực tế căn bệnh này vẫn còn tồn tại bởi có những cơ quan, tổ chức dùng bằng cấp làm tiêu chuẩn đánh giá cho việc thăng chức, bổ nhiệm, và gắn liền với nhiều quyền lợi khác.
Dưới góc độ tuyển dụng của thị trường, tôi nhận thấy bằng cấp có vai trò nhất định tùy thuộc vào vị trí cần tuyển, hoặc mục đích của từng đợt tuyển dụng trong mỗi công ty.
Đối với các doanh nghiệp, bằng cấp sẽ là công cụ sàng lọc hữu hiệu cho những đợt tuyển số lượng lớn với yêu cầu chuyên môn cụ thể. Tuy nhiên, khi vào đến những vòng tuyển chọn tiếp theo như kiểm tra năng lực, tính cách và phỏng vấn, bằng cấp sẽ không còn là “phao cứu sinh” cho ứng viên nữa mà kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm và tính cách của ứng viên mới là yếu tố quyết định đến kết quả tuyển dụng.
Đối với ứng viên có kinh nghiệm, để ứng tuyển vào vị trí quản lý, gần như các doanh nghiệp không còn chú ý đến bằng ĐH, thạc sĩ hay tiến sĩ của ứng viên, mà họ chỉ quan tâm đến việc ứng viên có đủ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và có phù hợp về tính cách để có thể đảm nhiệm công việc cũng như gắn bó lâu dài với công ty. Đặc biệt đối với những cơ hội thăng tiến trong nội bộ, các doanh nghiệp không đánh giá năng lực thông qua bằng cấp mà chủ yếu dựa vào thành tích trong công việc, năng lực và tiềm năng phát triển cả về chuyên môn lẫn tư duy lãnh đạo của nhân viên.
Bằng cấp, tuy vậy, vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thành công và thăng tiến nếu chúng ta biết học gì và học khi nào. Để có được những công việc đáng mơ ước, chúng ta cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết cho những công việc ở tầm cao hơn. Đối với mục đích này, bằng cấp đào tạo hàn lâm không phải là giải pháp duy nhất.
Nhìn chung, trừ những nghề đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, chúng ta nên có một thời gian làm việc để có đủ trải nghiệm, hiểu biết về nghề, về thị trường trước khi học nâng cao. Đối với nhà tuyển dụng, bằng cấp chỉ có giá trị khi mang lại những kiến thức thực tiễn giúp cho nhân viên thực hiện công việc một cánh hữu hiệu hơn.
Giá trị của một con người không nằm ở chỗ bao nhiêu bằng cấp mà sẽ được đo lường bằng những đóng góp của người đó cho doanh nghiệp, gia đình và xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.