'Bằng cấp không có lỗi, mà là do mình làm méo mó sai lệch nó'

01/10/2017 10:02 GMT+7

Cái méo mó của bằng cấp trong xã hội ta chỉ xảy ra trong khu vực công. Vấn đề của khu vực công là việc tuyển dụng bị quan hệ thân hữu chi phối, nhẹ việc đánh giá năng lực đi, nên phải vin vào bằng cấp .

Có những lĩnh vực bằng tiến sĩ không để làm gì
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia độc lập về chính sách công, từ góc độ chính sách thì bằng cấp mang tính chất là tín hiệu trên thị trường lao động để giảm bất đối xứng thông tin.
“Người tuyển dụng không biết năng lực của người tham gia thị trường lao động thế nào, mà cũng không thể nhận một triệu hồ sơ rồi phỏng vấn một triệu người bởi chi phí giao dịch như vậy sẽ rất cao. Cho nên cần phải có tín hiệu thế nào đấy để giảm bất đối xứng thông tin đó. Trên thị trường lao động bình thường, bằng cấp là rất cần bởi các nhà tuyển dụng có thể nhìn vào các xếp hạng để biết được bằng cấp nào tốt, bằng cấp nào không tốt bằng, để trong bước đầu tiếp nhận hồ sơ thì sàng lọc thông tin”, ông Đồng phân tích.

tin liên quan

Bệnh sính bằng cấp
Trong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại đang được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm.
Ông Đồng cho rằng, cái méo mó của bằng cấp trong xã hội ta cũng chỉ xảy ra trong khu vực công, còn khu vực tư là không. Vấn đề của khu vực công là việc tuyển dụng bị mối quan hệ thân hữu chi phối, nhẹ việc đánh giá năng lực đi nên bằng cấp dù luôn được xem như một điều kiện cần nhưng về mặt thực chất là không có ý nghĩa. Trong khi đó, khi cất nhắc bổ nhiệm ai thì họ lại bám vào nó như một hình thức để đánh giá năng lực.
“Lẽ ra bằng cấp chỉ có tác dụng trong giai đoạn sàng lọc ban đầu cung cấp tín hiệu. Còn khi đã vào làm việc thì phải đánh giá theo năng lực, anh làm việc thế nào, tạo ra thành tích gì thì mới bổ nhiệm được. Bằng cấp không có lỗi, mà là do mình làm méo mó sai lệch nó”, ông Đồng nói.
Một cái hiểu sai khác về giá trị của các loại bằng cấp là cho rằng, cứ bằng càng trình độ càng cao thì năng lực người người có bằng càng cao. Ông Đồng nhận xét: “Trong khi đó, bằng tiến sĩ chỉ có giá trị trong hoạt động học thuật, nghiên cứu chứ trong lĩnh vực quản lý nhà nước, bằng tiến sĩ có thể không cần tới để làm gì cả”.
Ông Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường đại học kinh tế quốc dân, thì cho rằng việc coi trọng bằng cấp là một nét văn hóa Á Đông, nên khó mà xóa đi cái tâm lý này trong xã hội. Nhưng dần dần, với yêu cầu công việc, có bằng ra thì phải làm được việc chẳng hạn, thì có thể sẽ tầm quan trọng của cái bằng sẽ giảm dần.
Ông Đảm cũng cho rằng cách thức đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam và cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở ta cũng là một nguyên nhân làm lệch lạc giá trị của tấm bằng tiến sĩ. Ở nước ngoài, học tiến sĩ rất khổ và học xong lương không cao nên chỉ người thực sự có nhu cầu thì mới học chứ người bình thường không xem đó là cơ hội để “đầu tư”. Ở Mỹ, có những trường hợp phải mất 7,5 rưỡi mới có được cái bằng tiến sĩ.
“Tôi làm tiến sĩ ở Canada, trong khi nếu với cái bằng thạc sĩ mình có trong tay để đi làm thì có thể kiếm được mức lương nhiều hơn mức học bổng mà nhà trường cho. Vì vậy, học tiến sĩ phải thực sự là đam mê, phải có mục tiêu làm nghiên cứu và khẳng định mình trong nghiên cứu, chứ không ai học bởi vì muốn thêm cơ hội kiểm được nhiều tiền, bởi con đường đi lên của tiến sĩ là giáo sư, mà lương giáo sư ở các trường đại học thì chỉ ở mức trung bình trong xã hội phương Tây”, ông Đảm chia sẻ.
Theo ông Đảm, thạc sĩ thì có nhiều cấp độ (có thể ứng dụng tốt vào các vấn đề thực tiễn), nên có người học để tiếp tục học lên làm tiến sĩ, có người học để ứng dụng điều mình học vào thực tiễn. Vấn đề quan trọng là chất lượng của chương trình thạc sĩ ấy có giúp người học sau khi học xong có đủ năng lực để giải quyết công việc hay không, nên người học nếu học không phải cốt để lấy bằng phải lựa chọn.
Mấu chốt nằm ở nhà tuyển dụng
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT, với xã hội phát triển, con người xem nhu cầu học là một nhu cầu tự thân, bằng cấp xem như là một chứng nhận tạm gọi người học đạt đến một trình độ hiểu biết nào đó, phải xem nó là nhu cầu chính đáng. Vấn đề là xã hội trọng bằng cấp, từ đó dẫn đến chuyện một số người đạt tới mục tiêu có bằng cấp để hy vọng được xã hội trọng vọng hơn.
“Ví dụ yêu cầu một số vị trí có bằng đại học thì người ta phải làm thế nào để có bằng đại học, kể cả thực chất hay không thực chất. Hoặc vì sao bằng của trường tư không được coi trọng vì đâu đó có quy định không tuyển người có bằng đại học tư”, ông Tùng nhận xét, rồi nói thêm: “Thực tế chuyện quản lý với chuyện bằng cấp chuyên môn là hai cái không hoàn toàn đồng nhất, nhưng quy định của nhà nước nhấn mạnh bằng cấp đã tạo “động lực” để người ta chạy theo bằng cấp”.
Từ đó, ông Tùng cho rằng, đơn vị tuyển dụng cần phải biết mình tìm người làm việc gì. Xu thế thế giới hiện nay thì bằng cấp chỉ để chứng nhận anh ở một trình độ nhất định, đã được học nội dung gì còn trình độ học với trình độ làm là khác nhau. Nội dung để học ở thời điểm này với nội dung học ở thời điểm sau không giống nhau do xã hội thay đổi nhanh lắm.
“Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng không nói tới việc phải có bằng ĐH, đặc biệt là các doanh nghiệp CNTT. Google đi theo cách này từ lâu lắm rồi. Có những doanh nghiệp trong số đó thì ngay cả người sáng lập cũng không có bằng đại học. Cho nên, sẽ rất vô duyên khi họ là những người phỏng vấn tuyển dụng đội có bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ mà những người này thì lại thường lôi cái bằng ra để mà khoe”, ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Tùng, khối hành chính sự nghiệp có thể vẫn cần bằng, nhưng là những cái bằng liên quan tới quản lý hành chính, đến chính trị, đến cái nghiệp vụ mà anh đang làm chứ không phải bằng chung chung. Khối hành chính sự nghiệp thì cần đại học là đủ, còn bằng cao hơn là tùy từng người, người nào thích học thích có bằng thì cứ việc, nhưng không nên coi đó tiêu chí hay ưu tiên khi tuyển dụng, bổ nhiệm. Học là nhu cầu lành mạnh, đừng làm méo mó cái nhu cầu lành mạnh đó”.
Ông Đảm cũng đồng quan điểm trên với ông Tùng: “Thực tế câu chuyện nằm ở những người tuyển dụng. Những nhà tuyển dụng không đưa yếu tố tiến sĩ vào như một điều kiện ưu tiên, thì tự nhiên, người ta sẽ không có nhu cầu học tiến sĩ để làm việc đó. Chẳng hạn doanh nghiệp tư nhân không bao giờ tuyển tiến sĩ vào làm nếu như công việc đó không yêu cầu tiến sĩ. Nếu cần tạo ra một sản phẩm đặc thù kỹ thuật, cần có chuyên gia, thì họ có thể tuyển tiến sĩ, chứ họ không thuê tiến sĩ để làm cán bộ quản lý hay làm hành chính”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.