Ông Néo với những quả chuông mà ông đúc cách đây hơn một năm rưỡi - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Tương truyền vị tổ sư của nghề đúc đồng Bằng Châu là thầy thuốc Dương Không Lộ, xuất thân từ tỉnh Hà Nam, truyền nghề cho dân Bằng Châu vào thế kỷ 12. Do vậy, hằng năm vào ngày 17.3 âm lịch, dân trong vùng làm lễ cúng tổ sư cùng với một số vị tiền hiền đã có công phát triển nghề.
Đúc cửu đỉnh cho vua
Ông Trần Néo, 79 tuổi, người được xem là duy nhất còn đúc đồng ở Bằng Châu, lên tiếng “phân bua”: “Nói thật, là hơn một năm rưỡi rồi tôi chưa đúc cái nào”. Năm 17 tuổi, ông Néo theo học nghề từ cậu ruột bên phía ngoại. Ba năm sau ông thành thợ và làm nghề dưới sự giám sát của người cậu này. Phải mất thêm bốn năm nữa, ông mới có thể tự làm độc lập. Cũng vì thời gian dài như thế, nên theo ông Néo, nghề này khiến cho lớp trẻ không đủ kiên nhẫn để theo.
Vào thời vua Gia Long, khi nhà vua cho tìm thợ giỏi để đúc cửu đồng, cụ cố của ông Néo là một trong vài ba người ở Bằng Châu được chọn, cùng với một số thợ ở nơi khác. Đó là chưa nói nhiều lớp thợ ở đây được các đời vua triệu tập ra Huế để đúc tượng, những vật dụng bằng đồng. “Ngày nay, vài sản phẩm bằng đồng khác của thợ Bằng Châu làm cho vua Gia Long vẫn còn ở kinh thành Huế. Làng nghề có người làm cho vua, nên dân đúc đồng ở đây rất hãnh diện về điều đó”, ông Néo khoe.
Còn ông Nguyễn Văn Tô, 73 tuổi (là Chủ nhiệm HTX đúc đồng Bằng Chầu trước khi giải thể vào năm 1989), cho hay: Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhiều thợ ở Bằng Châu đã tình nguyện đến xưởng quân khí ở H.Hoài n (Bình Định) để đúc quân khí. Bên cạnh đó, thợ đúc đồng Bằng Châu còn đúc một số chuông, tượng phật lớn đặt ở các chùa trên khắp cả nước.
Bao giờ cho đến… ngày xưa
Đi qua thời hưng thịnh, giờ những người còn giữ đồ nghề đúc đồng đang đau đáu một nỗi niềm, đó là không biết bao giờ nghề của làng mình được trở lại như xưa, hoặc ít ra là không bị “xóa sổ”. Ông Tô cho hay, từ khoảng chục năm trước năm 1975 là thời gian nghề đúc đồng cực kỳ phát triển. Bấy giờ không chỉ đúc những vật dụng như trên, mà họ còn đúc cả cánh quạt tàu biển, khuôn ngói, khuôn gạch…
Vào năm 1979, HTX đúc đồng Bằng Châu được thành lập, kéo dài đến năm 1989 thì giải thể bởi không còn duy trì được đầu ra như trước. Theo ông Néo, đúc đồng phải trải qua rất nhiều công đoạn dễ khiến người học nản lòng. Còn ông Tô cho hay, khi Cụm công nghiệp Gò Đá Trắng (P.Đập Đá) được quy hoạch, vài ba hộ đúc đồng đã chuyển đến đó tiếp tục hoạt động cầm chừng. Tại khu vực Bằng Châu thì chỉ còn vài hộ giữ nghề, một số chuyển sang mua bán sản phẩm đúc đồng. Người được xem là “cầm cự” cho đến bây giờ là ông Néo, tuy nhiên ông Néo thành thật: “Hơn một năm rưỡi nay tôi không đúc cái gì cả, còn giữ được đồ nghề đã là quý hóa lắm rồi. Tôi e rằng số đề nghề này sẽ theo tôi xuống mồ…”.
Lê Xuân Thọ
Bình luận (0)