>> Phá băng cướp tiệm vàng liên tỉnh
Ngay sau khi xảy ra vụ bắn trọng thương chủ tiệm vàng Thanh Tâm ở Củ Chi năm 2001, từ kết quả phân tích, tổ công tác của Cục C14 (Bộ Công an lúc bấy giờ) nhận định băng cướp thực hiện chỉ có hai tên, nhưng đã sử dụng 2 khẩu súng để bắn chủ tiệm và bắn chỉ thiên uy hiếp những người truy đuổi là táo tợn, chuyên nghiệp, hoạt động tinh vi, khép kín đã gây bế tắc cho công an địa phương. Từ báo cáo của tổ công tác C14, lãnh đạo TCCS nhận định mức độ nghiêm trọng của vụ án, đã lập Ban chuyên án mang bí số 405C để truy xét. Trưởng ban chuyên án lúc bấy giờ là trung tướng Nguyễn Việt Thành - Phó tổng cục trưởng TCCS phụ trách phía Nam.
|
Những trinh sát dày dạn kinh nghiệm của C14 được tung vào cuộc, rà soát, nắm bắt, đeo bám những đối tượng nguy hiểm. Sau 3 năm, đã phác họa một số chân dung những đối tượng để đưa vào tầm ngắm. Lúc này, Trưởng ban chuyên án Nguyễn Việt Thành được phân công nhiệm vụ mới, vụ việc được bàn giao lại cho trung tướng Phạm Nam Tào - Phó tổng cục trưởng TCCS. Lúc bấy giờ ở một số địa phương, nhiều tiệm vàng vẫn liên tiếp bị cướp tấn công, công an địa phương đã khởi tố vụ án để điều tra nhưng hoàn toàn bị bế tắc. Trung tướng Nam Tào thành lập Ban chuyên án mới mang tên 207C để truy xét.
Sau khi trung tướng Phạm Nam Tào nghỉ hưu, chuyên án tiếp tục được bàn giao về cho TCCS, lúc này là TCCS phòng chống tội phạm. Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó tổng cục trưởng TCCS phòng chống tội phạm, kiêm Cục trưởng Cục CSHS (được đổi tên từ C14) tiếp tục xác lập chuyên án thứ 3 mang tên 108C do ông làm Trưởng ban. Và chuyên án này đã chính thức xóa sổ băng sử dụng súng giết người, cướp hàng loạt tiệm vàng liên tỉnh gây kinh hoàng cho nhân dân mà Thanh Niên đã thông tin trong số báo hôm qua.
Khen thưởng các đơn vị lập công Bộ trưởng Bộ Công an đã có công điện khen thưởng cán bộ, chiến sĩ tham gia chuyên án triệt phá băng nhóm chuyên sử dụng vũ khí cướp tiệm vàng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Trung tướng, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương chiến công của cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát hình sự (thuộc Tổng cục VI), Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II (thuộc Tổng cục I) và Công an P.Tân Phong (thuộc Công an TP.HCM), kèm theo quyết định thưởng mỗi đơn vị 10 triệu đồng. |
Doanh nhân thành đạt, người lao động chăm chỉ
Trong quá trình đeo bám các đối tượng tình nghi, trinh sát phát hiện băng cướp này có sáu tên đều có tiền án mới ra tù. Các đối tượng gặp nhau vì có thời gian cải tạo ở trại giam Tống Lê Chân. Với thủ đoạn cực kỳ tinh vi, khi cướp xong vàng, bọn chúng chia nhau. Số vàng cướp được các tên cướp đều nấu thành vàng thỏi rồi mang đi tiêu thụ. Súng gây án xong, bọn chúng đều phi tang. Đến khi nào chuẩn bị thực hiện vụ mới bọn chúng mới sang Campuchia mua súng mới. Đặc biệt, khi cướp xong một vụ, bọn chúng giải tán và chỉ gặp nhau khi chuẩn bị thực hiện vụ mới. Địa điểm thường gặp là một số quán cà phê ở Q.7 (TP.HCM), bởi đây là nơi gần nhà tên cầm đầu Lý Anh Kiệt.
Bất ngờ nhất trong băng cướp này là: ngoài hai tên đã chết là Công và Lộc, còn lại 4 tên thì chỉ có tên Nhãn là đúng nghĩa “giang hồ”. 3 tên còn lại trở thành doanh nhân, thương nhân. Tên Tưởng đang sở hữu một gara ô tô, bên trong có nhiều máy ủi nhận hợp đồng đi san lấp mặt bằng ở khắp H.Châu Thành (Tây Ninh). Khi lực lượng công an ập vào bắt khẩn cấp sáng 9.10, công an xã, huyện và người nhà của tên Tưởng đều bất ngờ vì “không biết Tưởng phạm tội gì?”. Tên Tiếm cũng núp bóng bằng việc mua 2 chiếc máy ủi đi san lấp mặt bằng, khu vực san lấp là H.Hòa Thành (cũng của Tây Ninh). Riêng tên cầm đầu Lê Anh Kiệt thì trong vai một người buôn bán thực thụ. Theo trinh sát, Kiệt rất chăm chỉ trong công việc, hằng ngày cứ khoảng 3 giờ sáng, Kiệt lại chở vợ đi chợ đầu mối lấy sỉ rau về bán lẻ ở lề đường Lê Văn Lương (Q.7). Nhà mà Kiệt đang ở là nhà thuê. Tiền vàng cướp được, cơ quan điều tra đang làm rõ Kiệt dùng vào việc gì?
Hoài Nam
Bình luận (0)