Lâu nay, chuyện sử dụng bằng giả để công tác trong các nghành nghề, thậm chí thăng quan tiến chức vốn không còn là chuyện lạ ở Việt Nam. Hầu như ở lĩnh vực nào cũng có người sử dụng bằng giả để chui vào, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên, việc dùng bằng giả được phát hiện trong một lĩnh vực đặc biệt: Đào tạo lái xe – một nghề đặc thù, liên quan đến an toàn giao thông, đến tài sản và tính mạng của con người.
Ai cũng biết, tình trạng tai nạn giao thông vẫn diễn ra hằng ngày, không có dấu hiệu giảm xuống mặc cho các cơ quan hữu quan đã cố gắng thực thi nhiều biện pháp. Nguyên nhân được chỉ ra khá nhiều: Do mật độ xe ngày càng dày đặc trên đường, do cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu lưu thông, do xử phạt chưa nghiêm… nhưng ít ai chú ý đến chất lượng đào tạo lái xe ở các trường dạy lái. Tôi từng tham gia học bằng lái xe hạng B2 tại một cơ sở đào tạo lái xe tại Tây nguyên. Nhìn chung, giáo viên giảng dạy ở đây được tuyển dụng từ nhiều nguồn khác nhau, không đồng đều. Đa số là các tài xế từng lái xe nên “quen tay biết việc”, họ hợp đồng giảng dạy với nhà trường và hưởng thù lao dựa vào số lượng học viên mà họ mời vào học, hoặc trên số lượng học viên họ được phân công đào tạo. Vì vậy, khả năng sư phạm của họ thực sự rất hạn chế. Chuyện thầy vòi vĩnh quà của học viên, chuyện cãi nhau giữa thầy và trò, bỏ xe xuống đi bộ giữa đường vì không phục là chuyện thường xuyên xảy ra.
Hầu hết học viên học lái xe cuối cùng đều được cấp bằng, ai cũng có tâm lý, học để thi lấy bằng, còn kỹ năng điều khiển thì cứ mua xe lái vài tháng rồi sẽ quen tay. Vậy nên, tất cả những khiếm khuyết của thầy, của chương trình đào tạo đều được tặc lưỡi bỏ qua.
Chúng ta không ngạc nhiên khi những tai nạn hết sức thương tâm của người điều khiển ô tô khi kỹ năng chưa thuần thục, cả việc chạy ẩu phóng bừa của những tài xế được đào tạo qua loa bởi các giảng viên khiếm khuyết kiến thức. Hậu quả là con số thương vong do tai nạn giao thông mỗi năm không ngừng tăng lên. Đằng sau những người thầy sử dụng bằng giả là rất nhiều sinh mạng có nguy cơ đối mặt với cái chết. Chưa bao giờ việc quản lý chất lượng giáo viên ở các trường đào tạo lái xe lại đáng báo động như hiện nay. Người dân đang sắm ô tô ngày càng nhiều, lượng học viên ngày càng đông, các cơ sở lái xe cạnh tranh nhau bằng mọi biện pháp, kể cả việc tuyển bừa các tài xế thất nghiệp vào làm giáo viên.
Tai nạn giao thông sẽ vẫn còn diễn biến nghiêm trọng, nếu các cấp quản lý vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh đội ngũ giáo viên nhộm nhoạm tại các cơ sở dạy lái xe, ở Đắk Lắk nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Bình luận (0)