Ám ảnh mơ hồ
Trong đó, Băng (Tao Đàn và NXB Hội Nhà Văn ấn hành, Tâm Anh chuyển ngữ) - cuốn sách xuất bản chỉ một năm trước khi Anna Kavan qua đời - là nổi tiếng hơn cả. Ra mắt vào năm 1967, Băng lấy bối cảnh thế giới hậu tận thế, khi băng ngày càng đe dọa sẽ đưa trái đất vào kỷ băng hà mới. Trên không gian đó, một cuộc theo đuổi tình ái cũng đã xảy ra giữa một người đàn ông vô danh, một vị thống đốc của một lãnh thổ và người phụ nữ mà y cho rằng bản thân sở hữu.
Sự mơ hồ bao phủ gần như cả cuốn tiểu thuyết này. Trong đó, không nhân vật nào là có tên riêng. Họ được nhận diện và được biết đến với những đặc điểm đặc trưng của mình. Đó là cô gái "thủy tinh" mong manh, gầy yếu với mái tóc bạch kim. Là vị thống đốc có đôi mắt băng lãnh và người đàn ông chạy theo mạch truyện như tên loạn thần. Anna Kavan viết cuốn tiểu thuyết không đầu không cuối, liên tục chuyển đổi giọng kể cũng như bối cảnh, đôi khi gây ra một sự hoài nghi về độ xác thực của câu chuyện.
Có lúc cuốn sách bước vào thời kỳ của thảm họa bom nhiệt hạch, của biến đổi khí hậu... nhưng cũng có lúc nó quay về một mùa hè có phần thơ mộng. Không dừng ở đó, Anna Kavan còn đưa một vài chi tiết về thời trung cổ, nơi các cổng không-thời gian nhập nhoạng, làm nên một cuốn tiểu thuyết gần như siêu thực, vượt thoát khỏi cái thực tại, để đến với những không gian sáng tạo không có biên giới.
Cũng chính nhờ sự mơ hồ và những thủ pháp biến đổi trên mà Băng mang trong bản thân rất nhiều tầng nghĩa còn gây tranh cãi cho đến ngày nay.
Ở nghĩa gần nhất, về mặt bối cảnh, đó là một cuốn tiểu thuyết hậu tận thế với cuộc chạy đua tình ái của một "tam giác tình cảm". Ở đó, ta thấy rất nhiều chỉ dấu của biến đổi khí hậu, của chính trị độc đoán, của chiến tranh hạt nhân…
Ở tầng tiếp theo, xét về nhân vật, nó cũng biểu hiện cho sự dồn nén phụ nữ và tính nam độc hại, bởi 2 nhân vật nam giới dù ở vị thế thống trị hay là bị trị thì cũng đang thực hiện hành vi săn mồi là bạn khác giới. Đặt vào bối cảnh những năm 1960 khi làn sóng nữ quyền lên cao, thì góc nhìn này cũng rất đáng xem xét.
Nhưng nếu nhìn theo nghĩa này thì cũng là đang coi nhẹ cuốn tiểu thuyết trên, bởi nó còn nói nhiều điều hơn nữa nếu ta xét đến cuộc đời của riêng Anna Kavan. Cũng như những tiểu thuyết gia người Pháp hay đưa cuộc đời của bản thân mình vào văn chương, trong nhiều tác phẩm của bà, dấu ấn từ một cuộc đời chịu nhiều tổn thương đã có từ nhỏ luôn luôn ẩn hiện trong các cuốn sách, dù là dễ thấy hay chỉ ngầm hiểu.
Câu chuyện cá nhân
Anna Kavan sinh ra ở Cannes, nước Pháp, trong một gia đình giàu có người Anh. Ngay từ rất nhỏ, cha mẹ của bà không mấy quan tâm đến con cái mình. Khi còn nhỏ, bà được chăm sóc bởi người giúp việc, lớn hơn một chút thì bị gửi đến các trường nội trú. Những ẩn ức tuổi ấu thơ này vẫn luôn ẩn hiện vào các cuốn tiểu thuyết, biểu hiện bên dưới nhân dáng những người phụ nữ mong manh, gầy gò và đầy yếu đuối.
Điều đó cũng có thể thấy trong tiểu thuyết Băng. Ở đó bà viết: "Sự ức hiếp có hệ thống trong giai đoạn em mong manh nhất đã bóp méo cấu trúc nhân cách của em, biến em thành nạn nhân, một nạn nhân chờ đợi bị hủy hoại, dù bởi sự vật hay con người, kẻ khác hay những vịnh hẹp và rừng sâu; không có gì khác biệt, trong trường hợp nào em cũng không thể trốn thoát. Tổn thương không thể chữa lành gây ra từ thuở xưa đã cho em một định mệnh không thể tránh khỏi".
Đến tuổi trưởng thành, Anna kết hôn với một người đàn ông tham chiến ở tiền đồn của đế quốc Anh ở Miến Điện. Không thể chịu đựng về thời tiết, khí hậu, thức ăn cũng như bản tính vị kỷ của con người này, bà đã cắt đứt mối quan hệ trước khi gặp được một họa sĨ khác khiến bà cảm thấy mình được trân trọng. Theo các nhà viết tiểu sử, đây cũng là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời bà, khi bà vẽ và viết rất nhiều. Thế nhưng, hạnh phúc thì chẳng tày gang, một thời gian sau khi cuộc hôn nhân thứ 2 rạn nứt, người chồng họa sĩ không cho bà thăm con gái của mình. Từ đó, bi kịch thời thơ ấu thêm một lần nữa lặp lại.
Tính nam gia trưởng và đầy độc hại của hai người trên cũng đã xuất hiện một cách xuyên suốt trong tiểu thuyết Băng. Dù là vị thống đốc to cao, lạnh lùng hay người đàn ông gần như điên loạn, thì Anna Kavan cũng không che giấu bản tính săn mồi chứa đầy bạo lực của bản thân họ. Nếu người thống đốc thể hiện ra sự áp chế một cách rõ ràng, thì nỗi đam mê và sự ám ảnh của người thứ hai lại được ẩn sâu, và cũng vì thế mà nguy hiểm hơn. Không dưới một lần họ đã tấn công nhân vật người nữ, và cô không biết gì hơn là cam chịu.
Điểm này có thể không giống Kavan, vì vào cuối đời, bà đã tìm đến cách giải thoát thông qua các chất kích thích. Lúc này ở Anh, việc sử dụng chúng vẫn là hợp pháp. Trong làn khói mụ mị, văn chương của bà cũng dần thay đổi. Từ những tiểu thuyết tâm lý gia đình, giờ đã chuyển sang không gian siêu thực với những liên tưởng, ẩn dụ... độc đáo. Điều này có thể thấy rõ trong chính cuốn Băng, với những ngôi kể, những nhân dạng liên tục hòa lẫn vào nhau, không thể phân định. Dòng thời gian cũng bị bẻ cong, phần nào khai thác được những ẩn ức nằm sâu trong các nhân vật, từ đó, phóng chiếu về ngày hiện tại và phía tương lai, qua những ảnh hưởng nói trên, lên các lựa chọn và cuộc đời họ.
Có thể nói Băng là một tiểu thuyết độc đáo và đầy hấp dẫn về mặt văn chương. Với chất siêu thực, Anna Kavan đã dựng nên một thế giới hậu tận thế ở rất nhiều mặt, từ thời sự cho đến ẩn dụ tâm trí, qua đó, gián tiếp kể về câu chuyện của bản thân mình, cũng là ẩn ức của rất nhiều người. Một giọng văn ấn tượng và một cuốn sách cũng đầy thử nghiệm, khiến ta không ngừng trầm trồ vì sự độc đáo của nó.
Anna Kavn (1901 - 1968) tên thật là Helen Woods. Bà đã từng sống ở châu Âu, Mỹ. Anna bắt đầu viết khi sống với người chồng đầu ở Miến Điện. Tác phẩm thời kỳ đầu của bà có phần lập dị, nhưng mọi thứ thay đổi sau khi cuộc hôn nhân thứ hai của bà tan vỡ. Sau biến cố này, bà bị suy nhược thần kinh và được đưa đến bệnh viện ở Thụy Sĩ. Bà ra khỏi bệnh viện tâm thần với một cái tên mới, Anna Kavan, cùng một tính cách, bề ngoài khác và một phong cách văn học mới. Bà thường xuyên trải qua những đợt bệnh tâm thần và nghiện ma túy kinh niên. Bà đã tiêu hủy gần như toàn bộ thư từ cá nhân và hầu hết nhật ký của mình, bằng cách đó, đảm bảo rằng mình đạt được tham vọng trở thành 'một trong những bí mật kín nhất thế giới'! Bà qua đời năm 1968 vì bệnh suy tim.
Bình luận (0)