(TNO) Tuần tới, Mỹ và Trung Quốc sẽ phải cùng nhau ngồi vào bàn Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên trong bối cảnh 2 bên đang hằn học nhau đủ chuyện, nóng bỏng nhất là căng thẳng Biển Đông.
Các công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa
của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải |
Biển Đông phủ bóng Đối thoại chiến lược và kinh tế
Ngay trước thềm cuộc đối thoại cấp cao giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì, phía Trung Quốc hôm 16.6 tuyên bố sắp "hoàn tất" việc xây dựng và bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Mỹ lạnh nhạt bảo rằng nước này “ghi nhận” tuyên bố của Trung Quốc, cùng lúc “bồi” thêm rằng Washington quan ngại về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng ngày 16.6 ngang nhiên tuyên bố Bắc Kinh sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để đáp ứng những “nhu cầu phòng thủ quân sự cần thiết” và nhu cầu dân sự, sau khi hoàn tất việc xây đảo.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Kế hoạch của nhà nước Trung Quốc không góp phần làm giảm căng thẳng, không hỗ trợ cho việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao và hòa bình, cũng không bênh đỡ cho tuyên bố (chủ quyền) của Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp”.
Nhưng rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc tuyên bố "hoàn tất" xây đảo phi pháp vào thời điểm nhạy cảm này.
Vấn đề Biển Đông chắc chắn "phủ bóng" cuộc họp sắp tới và dự kiến cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Mỹ vào tháng 9 tới, theo BBC.
Theo số liệu mà Mỹ công bố, Trung Quốc đã bồi đắp 809 ha đất đai ở Biển Đông, tuyên bố chúng thuộc chủ quyền của mình. Nước này cũng ngang ngược nói rằng các đảo được bồi đắp phục vụ cho cả mục tiêu dân sự cũng như quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tàu chiến và máy bay của Mỹ sẽ vẫn cứ qua lại Biển Đông, cho dù Trung Quốc có nói gì đi chăng nữa. Một máy bay do thám Mỹ trong thời gian qua còn chở theo phóng viên của hãng truyền thông CNN bay qua đây – hành động mà chuyên gia Doug Bandow của tổ chức tư vấn chính sách Cato Institute mô tả là “khá khiêu khích”.
Cãi nhau cả chuyện cái ghế
Cùng lúc, mới đây các quan chức Mỹ cũng tố cáo Trung Quốc đánh cắp dữ liệu cá nhân của hơn 4 triệu nhân viên liên bang nước này, cả những người đang làm việc và người đã nghỉ.
Đó là mối quan hệ bằng mặt nhưng không bằng lòng. Trong ảnh là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
|
Bất hòa giữa Mỹ và Trung Quốc còn bộc lộ trong những tình huống khá kỳ quặc. Điều đó thể hiện rõ trên gương mặt những quan chức quân sự dự một buổi lễ ở Đại học quốc phòng tại Washington (Mỹ) hồi tuần trước.
BBC đưa tin ngay trước khi buổi lễ bắt đầu, một sĩ quan Trung Quốc đứng ra giữa phòng, mắt nhìn chằm chằm vào 2 cái ghế trống đặt ở cuối dãy, gương mặt lộ rõ sự bực bội.
Trên một cái ghế có dán chữ “GEN ODIERNO”, tức tướng Raymond Odierno, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ. Cái ghế kia thì dán chữ GEN FAN, tức thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc.
Viên sĩ quan Trung Quốc nói với một sĩ quan Mỹ: “Chúng tôi đề nghị sắp xếp để tướng Odierno và tướng Phạm ngồi ở giữa”.
Viên sĩ quan Mỹ bảo ông không muốn thay đổi. Phía Trung Quốc lại hằm hằm nhìn vào 2 cái ghế, bảo rằng: “Chúng tôi không nghĩ chúng thích hợp”.
Cuối cùng thì cũng có người đến gỡ một cái bảng tên ra khỏi cái ghế, thay nó vào chỗ khác.
Ở cuối phòng, người ta có thể nghe thấy một sĩ quan Mỹ khác nói: “Giống như trong nhạc jazz vậy, chúng tôi phải ứng biến”.
Tới hồi buổi lễ kết thúc, một quan chức quân đội, ông Lawrence White - phó giám đốc lễ tân của lục quân - vừa bước đi vừa nhại lại gương mặt làm ra vẻ rất nghiêm trọng của viên sĩ quan Trung Quốc.
Oái ăm thay, mục đích buổi lễ đã chứng kiến “cuộc chiến cái ghế” là để ca ngợi mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội Mỹ - Trung. Ở buổi lễ ca ngợi quan hệ hữu hảo mà còn như thế thì trong các cuộc đàm phán chứa đựng đầy rẫy bất đồng vào tuần tới và cả tháng 9 tới, hai bên sẽ còn phải “ứng biến” dài dài.
Bình luận (0)