Bàng quang thần kinh, coi chừng biến chứng

07/06/2011 09:25 GMT+7

Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM mỗi năm tiếp nhận 20-50 trẻ bị bệnh bàng quang thần kinh. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nếu không chăm sóc, điều trị đúng.

Ngày 23-5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận bệnh nhi P.T.N.H. (11 tuổi, Long An) bị nhiễm trùng đường tiểu, giãn thận, thận ứ nước. Bệnh nhi được chẩn đoán có một bất thường dị dạng về thần kinh là thoát vị màng não tủy từ lúc mới 1 tuổi đã được phẫu thuật. Tuy nhiên, sau đó người nhà không đưa bé H. đi tái khám, theo dõi thường xuyên dẫn đến thỉnh thoảng bị nhiễm trùng đường tiểu.


Bé P.T.N.H. được theo dõi, điều trị biến chứng bàng quang thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: L.TH.H

Suốt ngày mang bỉm

Chị N.D. - mẹ bé H., cho biết khi mới sinh bé H. có một “cục thịt dư” phập phều ở cuối đốt sống lưng. Đi khám bệnh bác sĩ nói bé bị dị tật bẩm sinh thoát vị màng tủy và đã được mổ tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM lúc 1 tuổi. Sau khi mổ đến nay, bé H. không thể tự chủ trong việc đi tiểu. Nước tiểu muốn ra lúc nào thì ra, bé không kiểm soát được. Do gia đình khó khăn, nếu mang bỉm suốt ngày đêm sẽ không đủ tiền mua nên chỉ khi bé đi học chị D. mới cho con mang bỉm. “Về nhà, tôi cứ “thả” cho chảy ra quần rồi chịu khó giặt chứ biết làm sao” - chị D. kể.

Dù bệnh nhân được điều trị đầy đủ, chính xác ngay từ đầu vẫn rất cần được tư vấn tâm lý do những bé bị bệnh này thường có cuộc sống mặc cảm, co cụm, cách biệt hơn so với những trẻ khác.
Ngày 20-5 vừa qua, bé H. bị đau bụng, ói, nằm ở Bệnh viện Cần Giuộc (Long An) ba ngày, bác sĩ cho chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 với chẩn đoán bé bị thòng thận, thận có nước do liệt bàng quang. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé H. được bác sĩ cho đặt ống thông tiểu để rút nước tiểu từ bàng quang ra, điều trị bằng kháng sinh, thăm dò chức năng thận, đánh giá mức độ tổn thương của bàng quang thần kinh ảnh hưởng lên hệ niệu. Bác sĩ chẩn đoán bé H. bị nhiễm trùng tiểu, hai thận bị ứ nước độ 3, giãn niệu quản.

Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, trưởng khoa thận - tổng quát Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết bàng quang thần kinh là bệnh lý khá thường gặp ở bệnh nhi. Nguyên nhân dẫn đến bàng quang thần kinh là sau khi bệnh nhân được phẫu thuật giải quyết dị tật bẩm sinh thoát vị màng tủy, thoát vị não màng não thì hệ thần kinh điều chỉnh hệ thần kinh tự động của bàng quang bị tổn thương, khiến bàng quang không còn chức năng chứa đựng và tống xuất như thông thường mà bị tê liệt, không co bóp được. Trẻ không tự chủ được việc đi tiểu, phải mang bỉm suốt ngày nếu cha mẹ không biết đặt ống thông tiểu hằng ngày cho con (khi trẻ còn nhỏ), thậm chí phải mang bỉm suốt đời nếu không biết đặt ống thông tiểu (khi đã lớn).

Cần thông tiểu sạch tại nhà

Theo bác sĩ Thoại Loan, điều tốt nhất đối với những bệnh nhân sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị não màng não, thoát vị màng tủy là trẻ phải được gửi đến bệnh viện có chuyên khoa thận niệu trẻ em để được theo dõi, hướng dẫn cách điều trị đối với một bàng quang thần kinh. Đó là hướng dẫn bé cách đi tiểu, cách kiểm soát bàng quang, cách đặt thông tiểu gián đoạn để giúp bàng quang có thể tháo lưu nước tiểu, không để xảy ra ứ đọng.

Nếu tình trạng tiểu không tự chủ này không được sự can thiệp, hỗ trợ về mặt y học sẽ dẫn đến ứ đọng nước tiểu, gây nhiễm trùng, biến chứng cho trẻ. Biến chứng thường gặp nhất là thận ứ nước hai bên. Tình trạng ứ nước hai bên này nếu kèm theo nhiễm trùng tiểu và bàng quang thần kinh không được xử lý, điều trị tích cực và kịp thời sẽ làm thận bị tàn phá nặng nề.

Việc điều trị không thể điều chỉnh bàng quang thần kinh trở về chức năng bình thường do hệ thống thần kinh đã bị tổn thương từ nhỏ. Để tránh gặp những biến chứng, đặc biệt là gây giãn thận, làm thận ứ nước, suy thận mãn, việc điều trị chủ yếu tập trung vào hai việc: thứ nhất, nếu bệnh nhân có nhiễm trùng tiểu thì sử dụng kháng sinh (chích hoặc uống tùy theo mức độ nhiễm trùng); thứ hai là điều trị bàng quang thần kinh. Biện pháp điều trị bàng quang thần kinh về mặt nội khoa tốt nhất là đặt ống thông tiểu gián đoạn nhiều lần trong ngày, để giúp bàng quang giải áp lượng nước tiểu không thể tống xuất ra ngoài theo cách bình thường.

Cách đặt thông tiểu sạch cho bé sẽ được bác sĩ hướng dẫn thực hiện rất đơn giản. Nếu bệnh nhân còn nhỏ cha mẹ sẽ làm cho bé. Với những bé lớn sau khi đã được hướng dẫn, thực hành tại bệnh viện, khi về nhà có thể tự thực hiện. Trong trường hợp không đáp ứng với cách điều trị đặt ống thông tiểu thì phải phẫu thuật mở bàng quang ra da. Biện pháp này có nhiều phức tạp, phải chăm sóc đặc biệt về sau.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều bệnh nhân sau khi phẫu thuật điều trị thoát vị màng tủy, thoát vị não màng não chỉ được bác sĩ dặn một câu chung chung “khi nào thấy có gì bất thường thì đi bác sĩ khám”, không dặn kỹ người nhà phải đặt ống thông tiểu cho trẻ một ngày bao nhiêu lần, mỗi lần ra bao nhiêu lượng nước tiểu để đánh giá dẫn lưu nước tiểu, để không ứ đọng nước tiểu ở bàng quang. Bệnh nhân cũng ít được dặn dò dấu hiệu có nhiễm trùng đường tiểu là tiểu đục, đau bụng, sốt không rõ nguyên nhân thì phải đến ngay cơ sở y tế khám, kiểm tra.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.