Băng rừng kéo điện, thắp sáng vùng quê hẻo lánh

19/12/2021 09:00 GMT+7

Dù nằm sát lòng hồ thủy điện Trị An, nhưng phải đến bây giờ hơn 700 hộ dân thuộc ấp 3, 4 (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) mới được tận hưởng cảm giác có điện lưới quốc gia sung sướng như thế nào.

Cẩn trọng trong thi công, hạn chế xâm hại rừng

Sau gần 7 tháng thi công, cuối tháng 10.2021, Công ty Điện lực Đồng Nai đã đóng điện, đưa vào vận hành công trình đường dây trung - hạ thế cung cấp điện lưới quốc gia phục vụ hơn 700 hộ dân với khoảng 3.500 nhân khẩu thuộc ấp 3, ấp 4 (xã Mã Đà).

Đường dây điện trung thế từ tỉnh lộ 761 băng rừng đến với người dân

Lê Lâm

Công trình có tổng vốn kinh phí đầu tư hơn 23 tỉ đồng với 2 gói xây dựng: gồm đường dây trung thế dài 18km và trạm biến áp 3 pha có tổng vốn đầu tư hơn 12,7 tỉ đồng do Công ty Điện lực Đồng Nai thực hiện; đường dây hạ thế dài 27 km có kinh phí hơn 10 tỉ đồng, trong đó người dân đóng góp 20%, số tiền còn lại nhà nước bỏ tiền đầu tư.

Ông Đinh Quốc Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà lý giải, sở dĩ 2 ấp trên chậm được kéo lưới điện quốc gia vì nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, mà trước đó UBND tỉnh Đồng Nai có chủ trương di dời các hộ dân thuộc khu vực này ra khỏi rừng, do đó không những điện và trường học, đường sá, cơ sở hạ tầng khác cũng không được đầu tư. Sau này, UBND H.Vĩnh Cửu có đề xuất không di dời mà để người dân sống ổn định ở đây và được UBND tỉnh chấp thuận. Từ đó cơ sở hạ tầng mới được chính quyền lên kế hoạch đầu tư, phục vụ người dân.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, ông Nguyễn Hoàng Hảo cho biết thêm để bảo vệ rừng, trong quá trình triển khai và thực hiện, Khu bảo tồn cùng chính quyền địa phương đã phối hợp, bàn bạc kỹ càng với Công ty Điện lực Đồng Nai để thống nhất, hạn chế thấp nhất việc tác động đến hệ sinh thái, mảng xanh của Khu bảo tồn.

Bà con mổ heo, gà mở tiệc ăn mừng

Ông Chương Văn Kot (72 tuổi, ngụ ấp 3, xã Mã Đà) cho biết ngày có điện, bà con ở đây đã mổ heo, gà, tổ chức ăn mừng. Theo ông Kot, ông và những người dân ở đây đã mong chờ ngày này lâu lắm rồi. “Chúng tôi ở đây 30 năm, hồi mới vô thì xài đèn dầu, sau đó chuyển qua bình ắc quy, cách đây khoảng 6-7 năm thì bắt đầu dùng pin năng lượng mặt trời, bây giờ mới thấy cái đường dây điện, người dân vui lắm”.

Anh Trương Hoàng Nhân dùng điện bơm nước để sinh hoạt

Lê Lâm

Anh Trương Hoàng Nhân (40 tuổi, ở gần nhà ông Kot) cho biết thêm, khi dùng bình ắc quy hay năng lượng mặt trời thì chỉ đủ dùng thắp sáng và một vài nhu cầu cơ bản khác thôi nhưng dùng cũng hạn chế lắm. “Còn nhà nào có điều kiện lắp nhiều tấm pin năng lượng thì có thể coi truyền hình, xài tủ lạnh, máy giặt được nhưng hiếm lắm, vì đâu phải lúc nào cũng đủ điện để dùng. Mùa nắng thì tạm tạm chứ mưa thì thua”. Anh Nhân nói.

Cũng theo anh Nhân, điện lưới quốc gia không những giúp người dân thoải mái hơn trong sinh hoạt mà còn giúp chi phí trong sản xuất. Trước đó, để tưới rẫy, anh phải dùng dầu chạy máy bơm, trung bình ngày tốn 200.000 đồng tiền dầu, bây giờ chuyển qua dùng điện thì chi phí anh Nhân ước tính chỉ sẽ giảm đi rất nhiều.

Anh Thạch Hoàng bên công tơ điện 3 pha phục vụ sản xuất

Lê Lâm

Tượng tự, anh Thạch Hoàng, một người dân khác ở ấp 3 (xã Mã Đà) cũng rất phấn khởi vì sắp tới chi phí sản xuất sẽ giảm đáng kể. Anh cho biết để phục vụ tưới cây anh đã lắp điện 3 pha, chi phí có cao một tí nhưng về lâu dài vẫn lợi hơn. Anh tính toán “Mỗi năm trung bình tôi xài trên 20 can dầu, can loại 30 lít. Từ giờ có điện chắc chắc chi phí sẽ giảm đi nhiều, vì giá cũng rẻ, nếu xài vào khung giờ thấp điểm thì rẻ hơn nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.