Ông là Nguyễn Hiếu Hoàng, cha của “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Hoàng Nam - người đã hy sinh khi truy bắt nhóm trộm xe SH trên đường Cách Mạng Tháng 8 (TP.HCM) vào tháng 5.2018.
Mới đây, ngày 29.11, TAND TP.HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Tài (tức Tài “mụn”, ngụ Q.12, TP.HCM) mức án tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản” và “cố ý gây thương tích”; Nguyễn Hoàng Châu Phú (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) mức án chung thân về cùng tội danh trên; bị cáo Ngô Văn Hùng (32 tuổi) 4 năm tù và Trịnh Thị Như (27 tuổi, cùng ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về cùng tội "che giấu tội phạm".
Hy sinh vì việc nghĩa
|
“Hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng lao xe thẳng vào xe Tài mới trộm khiến Tài ngã ra đường, một số “hiệp sĩ” khác ào tới khống chế. Tuy nhiên, Tài dùng dao thủ sẵn đâm nhiều nhát vào nhóm “hiệp sĩ” làm anh Nguyễn Hoàng Nam, Nguyễn Văn Thôi tử vong tại chỗ, các anh Trần Văn Hoàng, Đinh Phú Quý, Nguyễn Đức Huy bị thương (xác định tỷ lệ thương tật từ 2 - 68%).
Hùng và Như biết Tài và Phú phạm tội nhưng lại che giấu, tạo điều kiện cho hai bị cáo bỏ trốn.
HĐXX cho rằng các “hiệp sĩ” đã làm việc nghĩa hiệp, hy sinh thân mình để bảo vệ tài sản, tính mạng người dân nhưng các bị cáo lại bất chấp, xâm phạm tài sản người khác, tính mạng, sức khỏe của các “hiệp sĩ” nên cần có mức hình phạt nghiêm khắc như trên.
Cha muốn gánh hết thương đau kiếp này...
Đến dự phiên xét xử hôm ấy, ông Nguyễn Hiếu Hoàng ôm di ảnh con trai lặng lẽ ngồi thu mình ở một góc bàn. Ông liên tục lấy vạt áo quệt nước mắt lăn dài trên má. Quá trình HĐXX xét hỏi, mỗi khi bị cáo lặp lại hành vi giết 2 “hiệp sĩ” là vai ông rung lên bần bật. Nhiều lúc, đôi bàn tay gầy guộc phải nắm chặt di ảnh con trai để giữ bình tĩnh.
tin liên quan
Ba, mẹ các hiệp sĩ bị băng trộm SH đâm chết: 'Con tôi chết máu chảy thành sông'Ông kể vợ chồng ông cưới nhau, dù nhà nghèo nhưng cũng ráng bươn chải lo cho hai đứa con. Nam là con lớn, rất thương bố mẹ và em gái. Trước đây cả gia đình thuê nhà sống ở Q.Gò Vấp (TP.HCM), nhưng do cuộc sống khó khăn nên ông quyết định về H.Trảng Bom để mưu sinh. Còn vợ ông, con gái và Nam ở lại TP.HCM. Thỉnh thoảng, vợ con ông vẫn xuống thăm ông.
“Trước đây hay nghe người ta nói “Tình thân nào bằng tình mẫu tử. Con mất rồi cha cũng muốn chết theo”, đến bây giờ tôi mới thấm thía nghĩa của nó. Có những lúc tim tôi muốn ngừng đập, đau lắm, không diễn tả được. Làm cha, tôi muốn gánh hết thương đau kiếp này thay cho con mà không thể. Có lúc thân xác tôi không còn cảm xúc đau đớn, chỉ muốn đi theo con vì thương nhớ”, ông Hoàng vừa nói vừa gạt nước mắt.
|
Ông kể tiếp, xưa nay bố mẹ chẳng bao giờ đòi hỏi gì nhưng Nam luôn để ý từ những thứ nhỏ nhặt, lẳng lặng đi mua thuốc, mua sữa, mua quần áo... cho bố mẹ về để trong phòng. “Làm bao nhiêu tiền nó cũng chỉ lo cho gia đình. Vậy mà, giờ nó không còn nữa rồi. Con tôi mất ở cái tuổi đang rất đẹp, mới 29 tuổi đời”, người cha lại rưng rưng.
tin liên quan
Vì 20 triệu, chồng án tử vợ chung thân để lại đứa bé 10 tuổi bơ vơ Đến khuya thì bàng hoàng nghe hung tin…”, ông Hoàng nói và bảo ông biết con làm “hiệp sĩ đường phố” nhưng chưa bao giờ cấm cản. Bởi việc con trai ông làm là việc nghĩa, biết sống cho cộng đồng, sống vì xã hội nên gia đình luôn tự hào.
“Tôi chỉ dặn dò con phải cẩn thận. Thực sự mỗi đêm tôi đều lo con có mệnh hệ gì, sợ con bị tội phạm đâm, chém… Nhưng nếu ai cũng nghĩ việc khó không làm thì ai làm, nên tôi không cản con. Ngày con mất, vào lục tủ đồ của con mới thấy hàng chục thẻ hiến máu nhân đạo, bằng khen. Nhưng giờ tôi phải giấu kỹ những cái đó, bởi cứ xuất hiện trước mặt là không cầm được nước mắt, thương con”, ông Hoàng giãi bày.
Đừng gieo rắc nỗi đau cho người khác nữa
Trước khi tòa nghị án, HĐXX hỏi gia đình có yêu cầu bồi thường thiệt hại gì không, người cha “hiệp sĩ” bảo ông không yêu cầu bồi thường gì bởi có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con, có gì có thể bù đắp được nỗi đau đó…
Tòa tuyên án, các bị cáo bị dẫn giải ra xe để về trại giam, ông đứng lẳng lặng ôm di ảnh con trai nhìn theo, lắc đầu nhè nhẹ. Tôi khẽ hỏi: “Bác có hận bị cáo vì đã đâm chết con mình không?”.
Ông nói: “Hận để làm gì, con tôi đâu thể quay về nữa? Tôi chỉ mong những ngày tháng trong chốn lao tù các bị cáo ân hận và sống một cuộc đời lương thiện, đừng làm kẻ xấu như trước, đừng trộm cắp, giết người, đừng gieo rắc nỗi đau cho những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi. Xót lắm”.
Bình luận (0)