Từ nhiều năm nay, trong suốt mùa nóng tháng 2 - 4, tình hình ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng đến mức người dân Bangkok được khuyến cáo hạn chế ra đường, nhất là những ai có tiền sử bệnh hô hấp và một số trường học buộc phải đóng cửa. Theo chính quyền, thủ phạm chính là những loại xe hơi dùng nhiên liệu diesel, chiếm 25% trong tổng số 9,7 triệu phương tiện được đăng ký.
Nhiều đời chính phủ đã nỗ lực áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí nhưng chưa triệt để, một phần là do thành công lớn trong kế hoạch biến Thái Lan trở thành thủ phủ xe hơi khu vực, theo tờ Asia Times. Kể từ thập niên 1990, chính sách ưu đãi thuế và xúc tiến đầu tư đã thu hút gần như tất cả nhà sản xuất xe hơi lớn trên thế giới đến Thái Lan với điều kiện phải dùng linh kiện nội địa. Trong năm 2017, nước này sản xuất khoảng 1,98 triệu xe, trong đó có 871.650 chiếc tiêu thụ nội địa và số còn lại được xuất khẩu với doanh thu 28 tỉ USD (636.132 tỉ đồng), chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng xe bán tải chiếm gần 50% doanh thu nội địa trong năm 2017. Bên cạnh đó, chính phủ còn giảm thuế thu nhập đặc biệt cho người mua xe bán tải. Nhờ vậy, Thái Lan trở thành nhà sản xuất xe bán tải lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, xe bán tải dùng nhiên liệu diesel là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở Bangkok. “Về mặt chính trị lẫn kinh tế, chúng tôi vẫn chưa thể loại bỏ chương trình ưu đãi thuế cho xe bán tải. Đây thật sự là hậu quả từ sự thành công của Thái Lan”, chuyên gia Wichsinee Wibulpolprasert, thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Thái Lan, nhận định.
Trước tình hình này, chínhphủ của Thủ tướng PrayutChan-o-cha hồi năm ngoái đã đưa ra chính sách ưu đãi thuế mới cho doanh nghiệp lẫn người mua xe nhằm thúc đẩy các loại xe thân thiện với môi trường (eco-car) dùng điện hoặc nhiên liệu sạch theo tiêu chuẩn khí thải châu Âu. Theo tờ Bangkok Post, để được ưu đãi thuế, doanh nghiệp phải sản xuất 100.000 chiếc eco-car trong vòng 5 năm. Ngoài mục tiêu giảm khí thải, động thái này còn nhằm đưa Thái Lan trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu eco-car hàng đầu trong khu vực. Điểm đáng lưu ý là song song đó, xe truyền thống vẫn không bị cắt giảm sản xuất để bán ra thị trường nước ngoài, nhất là các nước ASEAN, theo xu hướng hội nhập của Cộng đồng kinh tế khu vực.
Theo Asia Times, chính sách mới đã đạt thành công bước đầu, thu hút 9 nhà sản xuất đa quốc gia, trong đó có Toyota, Honda, Nissan, Mitsubishi và Suzuki. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hãng nào đề xuất mẫu xe bán tải điện 1 tấn để thay thế loại dùng diesel.
Mặt khác, các chuyên gia cho rằng ngoài khuyến khích eco-car còn phải nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để người dân hạn chế sử dụng xe cá nhân. “Nếu như thời gian dùng phương tiện công cộng bằng với xe cá nhân thì sẽ rất khó thay đổi ý thức của người dân. Chúng ta cần phải tăng cường hệ thống metro đảm bảo tiết kiệm giờ đi lại. Hiện tại hệ thống tàu điện ngầm và trên không vẫn còn một số bất cập chưa kết nối phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn nghĩ lái xế hộp đến công sở vẫn “sang chảnh” hơn là chen chúc trên tàu điện. Một khi người dân thay đổi được quan điểm này thì bầu không khí Bangkok sẽ trở nên dễ thở hơn”, chuyên gia Wichsinee nói.
Bình luận (0)