(TNO) Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết chính phủ đã quyết định mua 2 tàu hộ tống nhỏ và 2 tàu ngầm của Trung Quốc, trang Dhaka Tribune (Bangladesh) đưa tin.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina - Ảnh: Reuters
|
Hiện 2 tàu hộ tống Type 056 mà Bangladesh đặt mua đang được đóng tại Trung Quốc và nhiều khả năng cả 2 sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2015, bà Hasina cho biết.
Hồi năm 2013, Hải quân Bangladesh đã thông báo sẽ mua 2 tàu ngầm lớp Ming của Trung Quốc. Nữ Thủ tướng Bangladesh cho biết 2 tàu ngầm này sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2016.
Bà cũng nói thêm rằng lực lượng hải quân sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên quốc gia, chẳng hạn như dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Bangal.
Giới quan sát nhận định thương vụ mua chiến hạm Trung Quốc của Bangladesh sẽ khiến Ấn Độ lo lắng về việc Bắc Kinh hướng sức mạnh hải quân sang Ấn Độ Dương. Trang tin Want China Times (Đài Loan) cho biết từng có thông tin cho rằng Bangladesh đã phải từ bỏ ý định mua tàu ngầm Trung Quốc vì New Delhi gây áp lực.
Tuy nhiên, tuyên bố của bà Hasina cho thấy Bangladesh vẫn kiên định với kế hoạch mua tàu chiến của Trung Quốc.
Tờ Times of India dẫn lời một quan chức hải quân cấp cao giấu tên của Ấn Độ thắc mắc: “Vì sao Bangladesh phải cần đến tàu ngầm? Quyết định này của chính phủ Bangladesh và các xung đột đang diễn ra tại đó khiến chúng tôi quan ngại”.
“Chúng tôi cũng nghi ngờ tàu ngầm Trung Quốc sẽ lẻn vào hải phận Ấn Độ ở Vịnh Bengal, mặc dù hiện vẫn chưa có tàu ngầm nào bị phát hiện tại đó”, vị này cho hay.
Nhiều chuyên gia cho biết Pakistan hiện đã là đồng minh thân cận của Trung Quốc và đang có thông tin cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo Sri Lanka thành đối tác để đặt các căn cứ hải quân khi tàu ngầm của hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã ghé thăm Colombo, thủ đô Sri Lanka, ít nhất 2 lần trong năm nay, theo Want China Times.
Bangladesh, với 1/3 trong tổng dân số 153 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, đã nỗ lực mở rộng năng lực quốc phòng trong những năm gần đây. Nước này đã xây dựng một căn cứ không quân mới gần nước láng giềng Myanmar và bổ sung các tàu chiến.Một tòa án quốc tế đã chấm dứt một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Bangladesh và Myanmar hồi tháng 3.2012, nhưng cuộc tranh cãi đã đẩy hai nước đến bờ xung đột quân sự vào năm 2008, khi Myanmar điều các tàu hải quân đến hỗ trợ việc khoan thăm dò khí đốt. Bangladesh còn có một cuộc tranh cãi với nước láng giềng Ấn Độ về biên giới biển tại vịnh Bengal vốn nhiều tài nguyên.
Bình luận (0)