Tỉnh An Giang có nhiều người dân tộc Chăm sống phân bổ tại huyện An Phú, Châu Phú và Châu Thành. Một trong những món ăn dân gian truyền thống được họ ưa chuộng và luôn có mặt trong đời sống hằng ngày lẫn các lễ hội là bánh bò Chăm.
Bà Hang Phi Sơn (ngụ xã Vĩnh Hanh, H.Châu Thành) cho biết: “Bánh bò Chăm khác bánh bò người Khmer lẫn người Kinh về cách pha chế bột, gia vị, nấu nướng. Người Chăm xem đây là món ăn truyền thống nên đa phần phụ nữ Chăm đều biết cách làm ngay từ tấm bé”.
|
Bà Sơn kể: Đầu tiên cho bột pha với men nở và một ít nước sạch vào chậu, sau đó khuấy đều hỗn hợp lên cho đến khi bột không còn đóng cục nữa; đem bột đi ủ 3 - 3,5 tiếng trong các lò nướng (các lò này phải có sẵn nhiệt độ ở 80 độ C), sau đó tắt lò và mang bột vào ủ. Nếu không có lò nướng thì dùng nồi nước sôi để nguội rồi mang bột vào đặt trên mặt nước. Tiếp đến bỏ bột vào chiếc nồi nhỏ lên bếp, cho một ít nước cốt dừa, nước sạch, muối, đường và bột năng, mở lửa nhỏ để hỗn hợp sôi và khuấy đều đến khi hỗn hợp đặc lại là đạt yêu cầu. Nhiều người làm bánh còn cải tiến bằng cách pha nước cất thốt nốt vào bột để có mùi thơm đặc trưng của trái thốt nốt. Sau đó cho nước cốt dừa, mè vào bột rồi đổ vào các khuôn bánh. Điều rất đặc biệt là các nắp đậy khuôn bánh đều phải được đun nóng trên bếp trước khi đậy các khuôn bánh bò.
tin liên quan
Vấn vương đu đủ trộnChị Ha Sa Mat (ngụ H.An Phú) giải thích: “Nắp làm nóng trước khi đậy có tác dụng làm bề mặt bánh bò có màu vàng đẹp mắt. Lớp mặt này sẽ nứt nẻ rất bắt mắt và tỏa mùi thơm ngon. Chất đun nấu bằng gáo dừa khô là tốt nhất vì lượng nhiệt tỏa rất đều đặn”.
Sau khi chín, bánh bò Chăm được lấy ra khỏi khuôn và ăn kèm với nước cốt dừa, mè (có người pha nước lá dứa vào nước cốt để tăng mùi thơm). Bánh bò Chăm cũng là món quà biếu của lớp con cháu với ông bà, cha mẹ, người thân, mang theo tấm lòng hiếu thảo, hồn cốt dân tộc Chăm.
Bình luận (0)