Nhiều người vẫn gọi gạo đỏ là gạo núi, vì phần lớn loại gạo này được trồng từ trên rẫy. Lúa rẫy được gieo vào khoảng tháng năm và đến giữa mùa đông thì thu hoạch. Gạo của các loại lúa rẫy thơm dẻo, ngon cơm, nhất là gạo lúa mới.
>> Phong phú như bánh canh xứ Huế
>> Nhớ lắm bánh canh Bến Có
Ngoài nấu cơm, các loại gạo đỏ còn được người ở quê dùng làm nhiều loại bánh quen thuộc, loại nào cũng ngon. Trong đó, món bánh canh gạo đỏ là một trong những đặc sản không phải nơi nào cũng có.
|
Cũng như nấu các loại bánh canh khác, bánh canh gạo đỏ tiến hành các công đoạn cần thiết từ chế biến bột đến chuẩn bị gia vị, các bước nấu. Theo những người lớn tuổi ở quê, để có sợi bánh canh ngon, ta chọn gạo đỏ mới, xay thành bột rồi đem đăng hoặc cho vào nồi chưng cách thủy với lửa nhỏ, khuấy đều đến khi bột sánh lại. Dù làm bằng cách nào thì bước tiếp theo vẫn phải tạo bột thành từng sợi bánh bằng cách cho bột từng sợi vào trong nồi nước sôi, sau đó vớt ra xả lại bằng nước sạch.
Khi đã có sợi bánh, muốn nồi bánh canh ngon phải nói đến nồi nước dùng. Bánh canh gạo đỏ hợp với các loại xương hầm, tôm hoặc cá tươi. Chất nấu càng nhiều thì nước càng ngon. Nói như vậy không phải đòi hỏi cầu kỳ trong thành phần hoặc cách chế biến, song món ăn này cũng đòi hỏi sự khéo léo và đúng điệu. Khi nồi nước nấu đã nhừ thấm gia vị thì có thể cho sợi bánh canh vào nồi rồi sau đó múc ra bát. Thế là ta đã có một bữa bánh canh ngon.
Đặc điểm của bánh canh gạo đỏ là sợi dai dẻo và thơm hơn gạo bình thường. Nếu nấu với các loại như cá thu, cá ngừ tươi thì phải nói ngon hết chỗ chê. Bát bánh canh múc ra nước đặc quẹo, từng miếng thịt cá nằm xen đều trong sợi bánh, thêm vài lát ớt xắt, vài cọng ngò, hạt tiêu dậy thì mùi thơm sẽ thôi thúc dạ dày. Những buổi chiều của ngày mưa, nếu được ăn bát bánh canh gạo đỏ với thịt cá tươi, chắc rằng ai cũng phải tấm tắc khen.
Dân dã vậy nhưng các món ngon làm từ gạo đỏ có xuất xứ từ miền quê xa đã trở thành những món ngon không thể thiếu trong đời sống hiện đại hôm nay.
Mỹ Tuyết
Bình luận (0)