Bánh củ cải

05/02/2007 17:40 GMT+7

Bánh củ cải là tên mà người Tiều (gốc Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) ở Nam Bộ dùng để gọi hai loại bánh. Loại thứ nhất được làm bằng bột mì nhồi với bột nổi chiên phồng trong chảo mỡ sôi, mà người Quảng Đông gọi là giò cháo quảy. Loại bánh này dùng để ăn cặp với bánh bò trong; xé nhỏ chấm "xì yếu" (nước tương thượng hạng) dầm ớt, ăn với xíu mại; hoặc xé nhỏ trộn trong tô cháo lòng hay tô hủ tiếu để tăng độ ngon và no khi ăn điểm tâm. Còn loại thứ hai thì chỉ có mặt trong gia đình của người Tiều, mỗi năm một lần vào một ngày duy nhất là ngày 24 tháng Chạp âm lịch.

Tết là mùa rau cải rộ. Đi chợ, nổi bật trong vô số các loại thực phẩm thực vật tươi xanh là những củ cải trắng ngà mập lù, ngon mắt. Những củ cải chắc thịt được các bà nội trợ thích thú chọn mua trong ngày 23 tháng Chạp âm lịch cùng một mớ rau cần tàu lúc nào cũng ngan ngát mùi thơm. Về đến nhà, họ bắt tay vào việc làm bánh. Đậu phộng đã ngâm cho mềm từ hôm trước, nay chỉ việc đãi vỏ. Còn tôm khô thì ngâm cho bớt mặn và tẩy bớt bụi bặm.

Củ cải được rửa sạch, bào thành sợi từ cái bàn bào làm bằng thiếc đục nhiều lỗ nhỏ. Cái bàn nạo giơ những chiếc răng sáng bóng những dầu, rửa sơ, ai đó ngồi nạo trái dừa khô rồi vắt lấy nước dão. Rau cần tàu xắt khúc cỡ 2 đốt tay. Trộn tất cả các thứ cùng bột gạo (phải là gạo cũ, khô cơm, mới "đứng bánh" và ngon), dằn chút muối, đường. Sau đó bắc chảo lên bếp xào cho đến khi bánh quến dẻo, nặng tay thì nhấc xuống, sớt qua mấy cái xửng nhỏ mặt trong thoa lớp dầu (để bánh không dính khi chín). Trang mặt bánh, rắc đều tôm khô và cần tàu xắt khúc (đã chừa lại một ít) rồi đem hấp. Thử không dính đũa là bánh chín, tỏa mùi thơm sảng khoái của rau cần tàu. Bánh có thể ăn ngay nhưng không ngon vì còn mềm, nhão. Trưa hôm sau, bánh "cứng mình", cắt từng miếng hình thoi cho vào dĩa bày cúng đưa ông Táo về Trời (người Tiều cúng ngày 24 tháng Chạp âm lịch chứ không phải ngày 23 như người Việt).

Cúng xong, cầm dĩa bánh trên tay, nhìn những hột đậu phộng trắng ngà, những con tôm khô đỏ đậm, mấy cọng cần tàu xanh sẫm nổi đều các mặt bánh, nghe bụng dạ cồn cào. Xắn một muỗng bánh, cho vào miệng, nhai. Mùi thơm ấn tượng của cần tàu, vị ngọt đượm đầu lưỡi của bột gạo và đường cát trắng, vị hăng hăng đặc trưng của củ cải lẫn trong vị mằn mặn của muối, ngòn ngọt của đường và mùi ngọt mặn của tôm khô xông lên khứu giác. Nhai nhằm hột đậu phộng mềm mụp cứ tưởng đang thưởng thức hột sen tàu. Nổi bật nhất là vị béo của nước cốt dừa, có lẽ ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của người Đồng bằng sông Cửu Long. Ăn được một hai ngày, phần bánh còn lại đem chiên, cho cảm giác khoái khẩu khác, đặc biệt là nghe "lớp vỏ" mỏng như bánh tráng bọc quanh bánh, nổ giòn trong răng.

Hiện nay, bánh củ cải đã được một vài cơ sở ở TP.HCM sản xuất theo dạng công nghiệp, cung cấp cho các siêu thị. Mỗi hộp gồm 4 hoặc 6 cái, nhỏ như bánh bông lan, được bảo quản trong ngăn lạnh. Bên hông chợ Bạc Liêu trên đường Lê Văn Duyệt, bánh củ cải được bán quanh năm (ngoại trừ các ngày ăn chay, mồng một, rằm) với kiểu dáng xinh đẹp như vậy, giá 1.500đ/cái.


 Bài, ảnh: Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.