“Trong một tối thèm bánh mì chấm sữa da diết, tôi bỗng nảy ra một ý, tại sao không đưa bánh mì chấm sữa gần hơn với nhiều người trẻ. Bánh mì kẹp thịt, bánh mì thịt nướng, bánh mì trứng, rồi bánh mì kebab, bánh mì bò kho… người ta không thể thiếu để tìm những món ăn rất Việt Nam ở TP.HCM, nhưng còn bánh mì chấm sữa, giản dị và bình thường ấy, nhưng đôi khi bạn lại rất nhớ”, Nguyễn Sơn Tùng, 27 tuổi, trú đường Hải Triều, Q.1, TP.HCM, sáng lập cà phê Bản chia sẻ.
|
Tuy gọi là giản dị, bình thường, chỉ là ổ bánh mì không chấm với sữa đặc, nhưng cũng không thể ngon nếu bánh mì không nóng hổi, giòn rụm lớp vỏ và bên trong ruột mềm, thơm phức. Do đó, Tùng cũng mất khá nhiều thời gian để chọn được lò bánh mì ưng ý. “Làm sao phải đến khi tụi em nướng lại trong lò mỗi khi khách gọi, bánh mì vẫn giữ được độ giòn, không bị ỉu, dai và mất đi cái thơm ngon”, Tùng nói.
Là tiệm cà phê với hơn 1.000 cuốn sách nằm trong hẻm trên đường Lê Lợi, Q.1, quán của Tùng bài trí không gian hiện đại nhưng vẫn truyền thống với ly, tách là đồ gốm Bát Tràng. Từ khi mở quán, bên cạnh nhiều món ăn kèm như bánh ngọt, Tùng bán thêm bánh mì bò kho, món ăn được nhiều người trẻ yêu thích.
|
Chiều 29.2, bánh mì chấm sữa chính thức được bán ở cà phê của Tùng, nhưng những bạn bè yêu thích cà phê của bạn trẻ này đã rất ngóng chờ được ăn món ăn đã lớn lên cùng với tuổi thơ của họ.
Ngô Tuấn Thanh, 20 tuổi, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, nhân viên tại tiệm cà phê Bản cũng bồi hồi: “Bánh mì chấm sữa là món 'ruột' của em ngày nhỏ, mà rất lâu rồi còn chưa ăn lại. Ngày nhỏ, cứ mỗi khi dậy sớm, mẹ mua cho ổ bánh mì nóng hổi, chấm với sữa, thường là sữa Ông Thọ. Nó thơm và ăn hoài không ngán”.
"Ngày đó, có ai ốm mới được ăn bánh mì chấm sữa"
"Ngày còn nhỏ xíu, không phải lúc nào cũng được ăn bánh mì chấm sữa, thường là trong nhà có ai bị ốm, bà con hàng xóm hay mua cân đường, hộp sữa đặc đi hỏi thăm. Thế là anh em tôi hôm sau mỗi đứa được mua một ổ bánh mì 500 đồng, hộp sữa về lấy cái dao ra khui hai đầu, mỗi bận ăn chỉ đổ một ít ra cái bát rồi hai anh em chia nhau ăn. Sữa còn dư thì bỏ vào một cái bát lớn khác, đổ thêm ít nước vào rồi mới cho vào bát, để tránh bị kiến. Thi thoảng, tôi lén lấy cái hộp sữa hút một miếng, nó mới phê làm sao”, Trịnh Thị Kim Anh, 29 tuổi, quê ở Bắc Giang, hiện là thực tập sinh tại tỉnh Fukuoka, Nhật Bản nhớ lại. Dù đã xa quê hương, nhưng món bánh mì Việt Nam, đặc biệt lại là bánh mì nóng hổi chấm sữa cứ nằm mãi trong tâm trí Kim Anh.
|
Còn chị Nguyễn Thu Ngân, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Phương Đông, quê ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, hiện làm kế toán trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM còn nhớ ngày nhỏ mỗi khi bà nội bị ốm thì trong nhà rất nhiều sữa đặc, loại sữa Ông Thọ nhãn màu đỏ.
“Sáng hôm ấy, bà nội gọi cả đàn cháu gồm 6 đứa xuống nhà, ngồi quây quần bên cái bàn uống nước dài, mỗi đứa bà nội phát cho một ổ bánh mì mới mua còn nóng hổi, thơm phức. Sữa đặc đổ ra lưng cái bát ăn cơm, các cháu thi nhau bẻ bánh mì vào chấm. Bà còn trêu, để ta xem đứa nào bẻ bánh mì nhỏ quá, bởi bẻ như thế sẽ chấm nhiều sữa hơn. Ngày đó còn khó khăn, nên bánh mì chấm sữa là món tuyệt ngon. Đến khi lên Hà Nội học đại học, có tiền làm thêm, chúng tôi còn rủ nhau góp tiền vào Big C Thăng Long, mua những ổ bánh mì dài ơi là dài, còn nóng bốc khói, chấm sữa ăn cho no nê”, chị Ngân nhớ lại.
Ở giữa TP.HCM vội vã, sáng sáng, chiều chiều tiếng rao "bánh mì nóng đây" làm rộn ràng ngõ hẻm. Người ta có thể mua một ổ bánh mì nóng giòn, pha thêm ly cà phê sữa nóng đặc, vừa ăn vừa nhâm nhi đọc tờ báo. Người nào thích bánh mì chấm với muối tiêu không, cũng thấy vui miệng. Hay những ai muốn hoài niệm tuổi thơ, lấy bánh mì chấm sữa đặc thơm ăn để cồn cào nhớ những ngày quá vãng. Bánh mì chấm sữa, giản dị thôi, mà sao thân thương với nhiều người quá.
Bình luận (0)