Bánh mì trong đời sinh viên: Có thể ăn 20 ổ/tháng; cùng nhau phát bánh thiện nguyện

06/10/2022 11:22 GMT+7

Với sinh viên, bánh mì luôn là "bạn đồng hành", trong những bữa sáng tiện lợi, những khi lúc cuối tháng túi tiền eo hẹp và trong các hoạt động thiện nguyện của một thời thanh xuân sôi nổi.

Xếp hàng dài chờ mua

6 giờ 30 phút sáng, tôi ghé thăm làng Đại học Quốc gia TP.HCM. Nhiều sinh viên xếp hàng dài chờ mua đồ ăn sáng trước các quầy bán bánh mì, xôi, bánh cuốn… Đặc biệt trước các xe bánh mì, sinh viên khá đông.

Từ sáng sớm, nhiều sinh viên xếp hàng chờ mua bánh mì

Hương Nhi

Đứng trong dòng người chờ đến lượt, Minh Anh (21 tuổi, sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho hay: “Mỗi sáng đi học mình theo thói quen là ghé ngang quầy bánh mì để mua một ổ mang theo. Đây là món ăn sáng nhanh, gọn, lẹ nên mình lựa chọn nó. Mỗi tháng mình có thể ăn đến khoảng 20 ổ bánh mì. Một phần là vì sở thích nữa, vào buổi sáng thì mình thích ăn những món khô hơn là những món nước”, Minh Anh cho biết.

Bánh mì que được nướng lại cho nóng

Hương Nhi

Theo Minh Anh, giá bánh mì khá phù hợp với điều kiện kinh tế của sinh viên. Một ổ bánh mì sinh viên tầm giá 10.000 - 20.000 đồng. Bánh mì có nhiều loại nhân để thay đổi, không bị ngán như bánh mì chả, bánh mì xúc xích, bánh mì nem, bánh mì gà, bánh mì thịt nướng

Minh Anh chia sẻ: “Nếu so với cùng một mức giá thì mình thấy ăn bánh mì sẽ ngon hơn những món khác”.

Nhiều sinh viên lựa chọn bánh mì cho buổi sáng vì “nhanh, gọn, lẹ"

Hương Nhi

Gần đó, Gia Hân (18 tuổi, sinh viên ĐH KHXH&NV) đang cùng bạn thưởng thức món ăn sáng tiện lợi này. Gia Hân chia sẻ, cô là tân sinh viên vừa nhập học gần đây, khoảng 2 tuần nay, bánh mì là lựa chọn thường xuyên cho buổi sáng.

“Vừa vào Sài Gòn nên mình cũng chưa quen đường sá nhiều, may mắn biết đến tiệm bánh mì này bán khá ngon nên sáng nào mình cũng ghé mua. Một ổ bánh mì nhân bên trong gồm nem nướng, xúc xích, bơ, rau… nhưng chỉ 15.000 đồng, ăn no căng bụng”, Gia Hân nói.

Nhóm thiện nguyện chuẩn bị bánh mì

NVCC

Nguyễn Ngọc An (21 tuổi, sinh viên trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM) bật mí, bánh mì là giải pháp cứu đói những ngày cuối tháng. Ngọc An nói: “Có nhiều hôm cuối tháng kẹt tiền là mình cầm cự bằng bánh mì. Mình thường chọn ăn bánh mì trứng cho những ngày này vì đây là loại rẻ nhất, chỉ 10.000 đồng/ổ. Giá rẻ nhưng ăn khá no và chắc bụng”.

Bánh mì gà quay lu tại Sài Gòn

Ký ức thời thanh xuân

Tham gia vào một nhóm thiện nguyện chuyên phát bánh mì cho người vô gia cư, Khánh Diệp (20 tuổi, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) xúc động nói, hình ảnh về các cô chú lao động, vô gia cư khiến cô nhớ mãi. Diệp chia sẻ: “Mình cảm thấy thật may mắn khi thời sinh viên được trải qua những giây phút hạnh phúc đó. Từng chiếc bánh mì được trao đến tận tay các cô chú, như trao đi yêu thương vậy”.

Những lần thiện nguyện phát bánh mì sẽ mãi là ký ức đẹp thời sinh viên

NVCC

Diệp kể, khi vừa thấy những chiếc xe máy chở theo bánh mì của nhóm đi tới, những cụ già bán vé số, bác xe ôm, cô nhặt ve chai… nhanh chóng đến nhận, cười rất tươi. Mọi người lịch sự cúi đầu nói lời cảm ơn khiến ai nấy đều xúc động.

Cùng tham gia chung nhóm thiện nguyện, Tú Uyên (21 tuổi, ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) chia sẻ, bên cạnh hạnh phúc khi được cho đi, Uyên cảm thấy vui khi được làm quen với mọi người, tự tay chuẩn bị bánh mì. “Tụi mình là những người xa lạ, chỉ khi cùng tham gia vào nhóm mới quen biết nhau. Mọi người đã cùng nhau đi xin dưa leo, rau… ở các chợ, cùng chiên trứng rồi đi phát. Tất cả đều là những kỷ niệm rất đẹp trong đời sinh viên của mình”, Uyên nói.

Anh Minh Duy (25 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) là người đồng sáng lập một nhóm tình nguyện dành cho sinh viên TP.HCM. Phát bánh mì thiện nguyện cũng là một trong những hoạt động chính của nhóm, diễn ra vào mỗi thứ bảy hàng tuần. Anh chia sẻ, mỗi lần phát khoảng chừng 200 phần bánh.

Anh Duy nói: “Khi làm hoạt động phát đồ ăn thiện nguyện thì thấy nguồn bánh mì tài trợ cũng có sẵn và dễ nhận. Tình nguyện viên chỉ cần xin tài trợ thêm về nguyên liệu làm nhân bánh là được. Làm bánh mì cũng dễ, không tốn nhiều thời gian như các món khác, dụng cụ bếp đơn giản hơn nên nhóm đã thường xuyên làm và phát bánh mì thiện nguyện. Quan trọng là có hoạt động để các bạn thanh niên sinh viên cùng làm để lan tỏa tinh thần sống vì người khác”.

Với nhiều sinh viên, bánh mì đã cùng họ đi qua những tháng năm thanh xuân đẹp nhất đời người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.