Cũng như các đặc sản phục vụ tết khác, những ngày này, việc sản xuất bánh pía - một đặc sản nổi tiếng ở Sóc Trăng cũng đang vào cao điểm với hàng loạt đơn đặt hàng từ khắp nơi.
Sản xuất bánh pía tại cơ sở Tân Huê Viên - Ảnh: Trọng Thịnh
|
Khách tăng kỷ lục
Những ngày qua, các lò bánh pía tại Sóc Trăng đều đã tăng hết công suất để sản xuất hàng tết. Năm nay, do tình hình kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực nên các cơ sở làm bánh pía tại Sóc Trăng đã có lượng khách đặt hàng tăng kỷ lục, trong đó có khá nhiều đơn hàng đến từ nước ngoài. Bà Lý Thục Chung, Phó giám đốc Cơ sở sản xuất bánh pía Tân Huê Viên, cho biết dịp tết năm nay, số lượng đơn hàng tăng hơn năm trước khoảng 20%. Để đáp ứng đủ nhu cầu của khách, cơ sở phải huy động hết công suất với 6 dây chuyền sản suất liên tục cùng số lượng nhân công lên tới hơn 600 người/ngày. Hiện nay, với sản lượng khoảng 50 tấn bánh/ngày, Tân Huê Viên đang là cơ sở sản xuất bánh pía lớn nhất tại Sóc Trăng.
Để tăng quy mô sản xuất, theo bà Chung, điều quan trọng nhất là phải có sự đổi mới về công nghệ, trong đó không thể thiếu sự đồng bộ của ngành điện. Bà Chung nói: “Nếu không có điện thì giá thành bánh theo công nghệ cũ có thể tăng gấp 3 lần, còn với dây chuyền sản xuất bánh đời mới, chúng tôi tăng công suất sản xuất, giảm được giá thành. Đó là chưa kể hệ thống ép chân không giúp cho thời gian bảo quản bánh tăng từ 7 lên đến 45 ngày, vì thế chúng tôi có thể mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Bà Chung nhớ cách đây vài năm, khi đang còn sản xuất bánh pía theo kiểu thủ công là dùng lò đốt than và đúc bánh bằng tay thì chất lượng bánh không ổn định, giá thành cao vì tốn nhiều nhân công và năng suất rất thấp. Nhưng nếu muốn đầu tư công nghệ thì yêu cầu đầu tiên là phải có nguồn điện ổn định. Sau khi liên lạc với ngành điện, bà đã nhận được lời cam kết hỗ trợ hết mình. Từ đó, bà Chung đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hệ thống dây chuyền trị giá gần 120 tỉ đồng. Ngành điện đã hỗ trợ cơ sở như kéo điện 3 pha, xây dựng hệ thống lưới điện cũng như đưa cơ sở vào diện khách hàng ưu tiên. Chính vì thế mà hệ thống dây chuyền mới đã thực sự phát huy hiệu quả cao khi chất lượng bánh làm ra luôn đảm bảo, nhân công ít và giá thành giảm mạnh.
Đảm bảo điện cho sản xuất
Hiện nay đang vào cao điểm nên chỉ riêng tiền điện của Tân Huê Viên đã lên tới trên 450 triệu đồng/tháng. Đây là một con số khá lớn đới với một cơ sở sản xuất nhưng điều mà bà Chung lo lắng là làm sao cho nguồn điện ổn định, bởi chỉ cần cúp điện khoảng 5 phút là có khi cả mẻ bánh hàng trăm chiếc có thể phải bỏ đi vì hư. Tuy nhiên, với sự quan tâm của ngành điện, những cơ sở sản xuất bánh truyền thống đã được đưa vào diện sử dụng nguồn điện ưu tiên, ngoài ra ngành điện còn thực hiện công tác duy tu, nâng cao hiệu suất đường dây nhằm đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất 24/24. Ông Nguyễn Chí Nhơn, Phó giám đốc kỹ thuật Điện lực Sóc Trăng, cho biết đơn vị luôn tạo điều kiện cung cấp điện liên tục, ổn định cho những cơ sở sản xuất mang tính truyền thống tại địa phương. “Ngoài việc sửa chữa lưới điện và nâng cấp máy biến áp 110 kV, chúng tôi lắp đặt thêm máy biến áp để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng điện tăng cao trong dịp này”, ông Nhơn nói.
Theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, vào những ngày cao điểm như hiện nay thì sản lượng bánh pía tại các cơ sở sản xuất đã đạt con số trên 100.000 tấn. Ngoài thị trường trong nước thì nhiều thương lái đã ký kết hợp đồng đưa bánh đến Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Trung Quốc... Đây là dấu hiệu khởi sắc cho những cơ sở bánh truyền thống ở Sóc Trăng bởi bánh pía đã dần khẳng định chỗ đứng cả thị trường trong nước và quốc tế. Để góp phần làm lên sự thành công này của bánh pía Sóc Trăng, không thể không kể tới sự đóng góp của ngành điện khi đã nỗ lực đồng hành cùng các cơ sở sản xuất.
Trọng Thịnh - Đình Tuyển
Bình luận (0)