Bánh rồng thời Lý

16/10/2022 07:30 GMT+7

Nghề làm bánh không rõ có ở nước ta từ bao giờ, nhưng những khuôn làm bánh thì hiện nay người ta đã tìm ra được khá nhiều, chúng được làm bằng các chất liệu như gỗ và kim loại, có niên đại ở triều Nguyễn.

Mới đây tôi được nhà sưu tập Giang Truong ở Hà Nội gửi cho một số ảnh về một hiện vật bằng gốm mà ông cho rằng đó là khuôn đúc bánh thời Lý. Qua xem xét và tra cứu tài liệu cho thấy đúng là ở thời Lý người ta đã tìm thấy dạng khuôn này, nhưng tài liệu không nói là đúc gì mà chỉ ghi chung chung là khuôn đúc. Tôi lại tìm hiểu một số nhà sưu tập chuyên về gốm có tiếng tăm, có người cho rằng đây là khuôn đúc nắp hộp gốm, có người thận trọng thì nói cần phải có thời gian nghiên cứu… Như vậy, đủ để cho biết mức độ hiếm có của loại hình này. Đặc biệt là hình rồng trên bánh thì vấn đề không còn là chung của xã hội nữa mà là riêng biệt của cung đình.

Ba cặp khuôn đúc

Cổ vật Thăng Long - Hà Nội

Ba cặp khuôn trong Cổ vật Thăng Long - Hà Nội

Ba cặp khuôn trong sách Cổ vật Thăng Long - Hà Nội chỉ được chú thích dưới ảnh “Khuôn đúc men trắng thời Lý, thế kỷ 11 - 13, cao 1,5 - 2 cm, đường kính 5,7 - 7,1 cm, ở Vĩnh Phúc, phố Kim Mã, Q.Ba Đình, năm 1924 - 1926, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN”.

Qua xem xét cho thấy chúng được sắp xếp theo thứ tự như trong ảnh là để cho biết từng cặp, mỗi cặp đều có khuôn dương bản và khuôn âm bản, tức là chúng được tìm thấy trong hiện trạng cặp đôi.

Về đồ án trang trí, chúng đều có hình hoa và rồng nằm ở giữa, trong đó có một khuôn hình hoa 8 cánh và 2 rồng chầu vào một hình tròn nhỏ, hai khuôn còn lại là có hình hoa 6 cánh và 1 rồng nằm ở giữa. Đặc điểm của rồng đều mang đặc trưng của thời Lý là uốn khúc thắt túi. Còn hoa đều có cánh to đầu tròn mang đặc điểm của loại cúc vạn thọ.

Mặt trước và mặt sau khuôn đúc của nhà sưu tập Giang Truong

G.T

Từ đặc điểm kiểu dáng và chú thích “men trắng” của ba cặp khuôn trong Cổ vật Thăng Long - Hà Nội, có thể kết luận khuôn dương bản dùng để chế ra khuôn âm bản, còn khuôn âm bản sẽ được dùng cho đúc bánh. Khuôn có tráng men, điều này đã chỉ ra rằng đó là kỹ thuật chống dính và như vậy chỉ có thể là đúc bánh, bởi nếu đúc kim loại thì chắc chắn là men không chịu nổi.

Chiếc khuôn thuộc sưu tập Giang Truong

Sưu tầm được từ người vô tình tìm được ở đáy sông thuộc TT.Chũ, H.Lục Nam, Bắc Giang. Khuôn bằng gốm, trong lòng có tráng men, đường kính 5,5 cm, cao 1,6 cm, các họa tiết được thể hiện ở dạng âm bản với đồ án rồng trong hoa. Hoa có 4 lớp cánh, trong đó bao quanh đáy khuôn là 3, trên miệng 1, các cánh hoa đều có đặc điểm là đầu tròn mang đặc điểm của loại cúc vạn thọ. Rồng cũng uốn khúc thắt túi mang đặc điểm của thời Lý. Nhìn chung là giống với ba khuôn nêu trên và cũng được sử dụng cho đúc bánh.

Về nghệ thuật và trang trí, với các khuôn nêu trên đã cho thấy có một sự nhất quán trong tạo hình và trang trí. Bánh được đúc ra sẽ có hình thù và hoa văn tương tự như ở khuôn dương bản, đó là một hình hoa có rồng nổi ở giữa. Nhưng điều đáng nói là hình hoa và rất có thể là cúc vạn thọ (loại cánh to đầu cánh tròn). Nếu vậy thì hoa cùng với hình rồng trên bánh đã chỉ ra rằng đây là loại bánh thuộc về triều đình, và bánh này có thể được gọi là bánh rồng, trong đó hình hoa của bánh là mang hàm ý chúc vạn thọ, nhưng điều thú vị là câu chúc này chỉ dành cho vua.

Như vậy, bánh này có phải chỉ dành cho vua hay không thì cần phải nghiên cứu thêm, và cũng không ngoại trừ đây là bánh của triều đình dâng lên Phật bởi trong triều Lý, đạo Phật được xem là quốc giáo. Tuy nhiên, xét về hiện vật như khuôn ở đây thì cho đến nay tìm thấy rất ít, đủ để nói lên chúng không phải là đồ sản xuất đại trà. Ngoài ra, về đồ án trang trí như 2 rồng chầu vào một hình tròn nhỏ ở một khuôn, rất có thể đây là đồ án lưỡng long triều nhật, và nếu như vậy thì đây là một trong những đồ án được biết sớm nhất trong lịch sử trang trí ở nước ta.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.